Nga cứng rắn trước 'mưa' trừng phạt từ phương Tây: Cánh cửa ngoại giao hẹp lại?

Cánh cửa ngoại giao vẫn chưa khép lại hoàn toàn, dù tình hình Ukraine đã leo thang lên một mức căng thẳng mới.

“Mưa” trừng phạt nhằm vào Nga

Hôm qua (22/2), Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã đồng loạt công bố các lệnh trừng phạt “cứng rắn” đầu tiên nhằm vào Nga, để đáp trả việc Moscow công nhận 2 vùng ly khai miền Đông Ukraine. Cuộc gặp của giới chức phương Tây được lên kế hoạch với phía Nga cũng bị hủy bỏ.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu hôm qua đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt Nga, hầu hết nhằm vào các ngân hàng và các thành viên Hạ viện nước này.

Mỹ trừng phạt đối với hai cơ quan tài chính lớn của Nga là VEB và ngân hàng quân đội; cùng các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với nợ công của Nga, nhằm cắt các nguồn tài chính của Nga từ các nước phương Tây.

EU trừng phạt 27 cá nhân và thực thể Nga mà EU cho rằng đã đóng vai trò quan trọng trong việc xâm phạm chủ quyền của Ukraine. Toàn bộ 51 thành viên của Duma quốc gia, tức Hạ viện Nga, cũng nằm trong diện trừng phạt của khối này. Đức còn quyết định dừng quá trình phê duyệt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Trong khi Anh áp lệnh trừng phạt nhằm vào 5 ngân hàng và 3 doanh nhân người Nga mà phía Anh cho rằng có quan hệ mật thiết với chính quyền Nga, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm nay cũng cho biết bắt đầu cấm phát hành trái phiếu của Nga tại Nhật Bản và đóng băng tài sản của một số cá nhân Nga.

Các nước phương Tây đều khẳng định, đây mới chỉ là các biện pháp trừng phạt đầu tiên và dự kiến sẽ còn nhiều biện pháp khác nếu tình hình Ukraine tiếp tục leo thang. Cùng với việc trừng phạt Nga, phương Tây đang có ý định tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu, để đảm bảo an ninh cho các nước thành viên NATO.

Cánh cửa ngoại giao chưa khép hoàn toàn

Hôm qua, cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng đã hủy các cuộc gặp riêng biệt dự kiến với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Putin cũng chưa được tính đến ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, bà khẳng định, cánh cửa ngoại giao sẽ không bị khép hoàn toàn:

“Chúng tôi sẽ không bao giờ đóng hoàn toàn cánh cửa ngoại giao. Tuy nhiên, tại thời điểm này, cuộc gặp Thượng đỉnh Nga - Mỹ chắc chắn không nằm trong kế hoạch. Hãy xem những gì các bên cần phải làm. Đó là sự giảm leo thang, rút quân”

Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Mỹ và đồng minh sẽ không cho phép Nga sử dụng thời gian ngoại giao để chuẩn bị cho chiến tranh: “Chúng tôi sẽ tiến hành phối hợp với các đồng minh và đối tác dựa trên các hành động của Nga và sự thật trên thực tế. Nhưng chúng tôi sẽ không cho phép Nga sử dụng ngoại giao làm vỏ bọc để chuẩn bị cho chiến tranh và xung đột”.

Hiện phần lớn thế giới vẫn tiếp tục kêu gọi Nga đảo ngược quyết định công nhận độc lập cho hai vùng ly khai miền Đông Ukraine và rút quân về nước. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết:“Chúng tôi mong muốn Nga từ bỏ, chấm dứt vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Ukraine để hướng tới đàm phán ngoại giao thay vì xóa bỏ Thỏa thuận Minsk”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vô cùng lo lắng trước những diễn biến mới nhất liên quan đến Ukraine, bao gồm các báo cáo về việc gia tăng các vi phạm ngừng bắn giữa lực lượng miền Đông và quân đội Ukraine.

Ông kêu gọi đảm bảo sự an toàn và hạnh phúc của tất cả những người dân Ukraine: “Vào thời điểm quan trọng này, tôi kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và tái lập trật tự luật pháp. Chúng ta cần kiềm chế, giảm leo thang ngay bây giờ. Tôi kêu gọi tất cả hãy kiềm chế trước những hành động và tuyên bố có thể khiến tình hình nguy hiểm vượt qua tầm kiểm soát. Đã đến lúc quay trở lại quá khứ của đối thoại và đàm phán".

Tuy nhiên, dường như Nga sẽ khó thay đổi quyết định mới nhất của mình. Tổng thống Nga xác nhận Thỏa thuận Minsk đã không còn tồn tại.

“Thỏa thuận Minsk đã bị giết chết từ rất lâu trước khi Nga công nhận các nước Cộng hòa ở Donbass. Không phải bởi chúng tôi, không phải bởi đại diện của các nước Cộng hòa này, mà bởi các chính quyền Kiev hiện tại. Tất nhiên, bây giờ thỏa thuận Minsk không tồn tại. Theo dõi thỏa thuận có ý nghĩa gì nếu chúng ta công nhận sự độc lập của các thực thể này”.

Tuy nhiên, ông Putin cho biết, vẫn luôn cởi mở trong việc tìm kiếm các giải pháp ngoại giao, song “lợi ích của Nga và an ninh của công dân Nga cần được đảm bảo”. Tổng thống Nga cho rằng, tình hình xung quanh Ukraine có thể được giải quyết nếu các yêu cầu của Nga được đáp ứng; bao gồm việc chính quyền Kiev tự nguyện từ chối gia nhập NATO và các nước phương Tây ngừng trang bị vũ khí hiện đại cho quốc gia này.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Nga vừa thông báo sẽ sớm sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine sau khi Thượng viện Nga thông qua đề xuất của ông Putin về việc điều động quân đội ra nước ngoài. Quyết định được đưa ra khi Đại sứ quán và lãnh sứ quán nước này tại Ukraine liên tục bị tấn công./.

Đình Nam/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-cung-ran-truoc-mua-trung-phat-tu-phuong-tay-canh-cua-ngoai-giao-hep-lai-post926017.vov