Nga đã bao vây các phía, đưa Ukraine vào thế gọng kìm

Khi các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn chiến tranh không có kết quả, các nhà phân tích đang cảnh báo rằng quân đội Nga có thể gây ra mối đe dọa ngay lập tức đối với Ukraine, bởi đã bao vây nước này từ các phía.

Theo ước tính của Mỹ, Nga đã điều hơn 100.000 quân gần biên giới Ukraine trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại từ các quan chức tình báo phương Tây và Ukraine rằng một cuộc xâm lược có thể sắp xảy ra.

Hình ảnh vệ tinh quân đội Nga ở Belarus, gần biên giới với Ukraine. Ảnh: CNN

Bài liên quan

Mỹ và Ukraine cam kết theo đuổi chiến lược 'ngoại giao và răn đe' để ngăn Nga tấn công

Người Ukraine tuần hành ở Kiev để thể hiện sự đoàn kết trước mối đe dọa từ Nga

Căng thẳng quan hệ Nga- Ukraine đẩy giá dầu tăng vọt

Mỹ sơ tán hầu hết nhân viên đại sứ quán tại Ukraine

Nhưng nếu một cuộc xâm lược xảy ra, không rõ điểm bắt đầu sẽ ở đâu. Nga đã tạo ra các điểm gây áp lực lên ba phía của Ukraine: phía nam với Crimea, Nga ở phía biên giới và ở phía bắc là Belarus.

Dưới đây là ba mặt trận mà Ukraine và phương Tây đang theo dõi, và các hoạt động gần đây của Nga được phát hiện trên mỗi mặt trận.

Phía Đông Ukraine

Phần lớn sự chú ý đổ dồn vào các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk, nơi các lực lượng Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn đã xung đột kể từ năm 2014.

Giả thiết quan trọng nhất của những người theo dõi các hoạt động của Nga là Moscow có thể tăng cường sức mạnh quân sự mà họ đã sở hữu trong khu vực, do đó biến miền đông Ukraine trở thành vị trí dễ dàng nhất để tiến hành một cuộc xâm lược.

Hình ảnh vệ tinh do CNN thu được cho thấy một căn cứ lớn ở Yelnya, nơi chứa xe tăng, pháo và các loại thiết giáp khác của Nga, phần lớn đã bị dọn sạch, và các thiết bị dường như đã được chuyển đến gần biên giới hơn nhiều trong những ngày gần đây.

Một lượng lớn vũ khí đã được chuyển đến căn cứ này vào cuối năm 2021, bao gồm khoảng 700 xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và bệ phóng tên lửa đạn đạo.

Ông Stephen Wood, giám đốc cấp cao của công ty hình ảnh vệ tinh Maxar, nói với CNN: "Đối với tôi, có vẻ như một lượng đáng kể các phương tiện đã khởi hành ra khỏi khu vực Yelnya để tiến gần hơn tới Bryansk".

Trong khi đó, hoạt động gia tăng ở các khu vực Kursk và Belgorod, giáp biên giới đông bắc Ukraine, đã làm tăng thêm mối lo ngại.

Ông Konrad Muzyka, một chuyên gia theo dõi các chuyển động quân sự của Rochan Consulting, cảnh báo trên Twitter: “Chúng tôi đang chứng kiến một lượng lớn phương tiện và binh lính ở Kursk".

Ông Phillip Karber thuộc Tổ chức Potomac ở Washington, người cũng đã nghiên cứu chi tiết các đợt di chuyển của quân đội Nga, nói với CNN trong tháng này: "Đội hình tấn công mạnh nhất của Nga, Tập đoàn quân xe tăng Cận vệ 1, thường đóng ở khu vực Moscow, đã di chuyển về phía nam 400 km và đang tập hợp trong khu vực tối ưu cho một cuộc tấn công nhanh chóng bằng thiết giáp".

Phía Belarus

Quốc tế cũng chú ý tới một lượng lớn quân đội Nga ở Belarus, một quốc gia đồng minh chặt chẽ với Moscow có thể cung cấp một con đường khác vào Ukraine. Nga và Belarus đã bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày vào thứ Năm, với quy mô và thời gian của cuộc tập trận đã làm phương Tây phải e dè.

Hoạt động triển khai của Moscow vào Belarus được cho là lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, với "dự kiến 30.000 lính chiến đấu, lực lượng hoạt động đặc biệt Spetsnaz, máy bay chiến đấu bao gồm SU-35, tên lửa kép Iskander và hệ thống tên lửa S-400", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ngày 3/2.

Dàn tên lửa S-400 của Nga đã được điều đến Belarus.

Đây cũng là cuộc tập trận lớn nhất mà lực lượng vũ trang Belarus tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố mục đích của cuộc tập trận bao gồm việc đẩy lùi "sự xâm lược từ bên ngoài".

Đầu tháng này, một nhà ngoại giao châu Âu nói với CNN rằng việc tập trung lực lượng là một "nỗi lo lớn", lưu ý rằng đây sẽ là mảnh ghép còn thiếu mà Moscow sẽ cần để tiến hành một cuộc tấn công nhanh chóng vào thủ đô Ukraine.

Các cuộc tập trận chung cũng sẽ tạo vỏ bọc cho một cuộc di chuyển bên sườn qua Belarus và vào miền bắc Ukraine, CSIS cảnh báo.

Các hình ảnh vệ tinh do Maxar công bố dường như cho thấy quân đội Nga đã triển khai các lực lượng tiên tiến tại một số địa điểm ở Belarus. Các hoạt động triển khai có thể liên quan đến các cuộc tập trận chung, nhưng các bức ảnh khác cho thấy các trại được thành lập gần biên giới với Ukraine, cách nơi diễn ra cuộc tập trận hàng trăm dặm.

Tuy nhiên, nếu Nga muốn xâm lược Ukraine từ phía Belarus, tuyến đường này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Các binh sĩ Nga sẽ phải vượt qua Bãi lầy Pinsk, còn được gọi là Pripet Marshes, một trong những vùng đất ngập nước lớn nhất châu Âu, nằm giữa biên giới Belarus và Ukraine. Đây là một địa hình rậm rạp, ngập úng và có nhiều rừng cây trải dài trên 104.000 dặm vuông.

Khu vực đó đã cản trở lực lượng Đức Quốc xã trong Chiến dịch Barbarossa nhằm tấn công vào Liên Xô vào năm 1941.

Phía Crimea

Bán đảo được Nga sáp nhập vào năm 2014 sẽ cung cấp mặt bằng cho bất kỳ hoạt động mới nào, nhưng không rõ liệu Moscow có cố gắng thực hiện một cuộc di chuyển vào Ukraine từ Crimea hay không. Maxar đã quan sát thấy một đợt triển khai quân và thiết bị lớn, ước tính rằng hơn 550 lều lính và hàng trăm phương tiện đã đến phía bắc thủ đô Simferopol của Crimea.

Sau đó, một đợt triển khai mới được Maxar xác định lần đầu tiên vào hôm thứ Năm gần thị trấn Slavne trên bờ biển phía tây bắc của Crimea, bao gồm cả các phương tiện bọc thép.

Những đợt triển khai mới được quan sát cùng ngày khi một số tàu chiến Nga đến Sevastopol, cảng chính của Crimea. Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải hình ảnh hôm thứ Năm của sáu tàu đổ bộ cỡ lớn tại cảng.

Hải quân Ukraine đáp trả rằng: “Nga tiếp tục quân sự hóa Khu vực Biển Đen, điều chuyển thêm tàu đổ bộ để gây sức ép lên Ukraine và thế giới”.

Các nhà phân tích của CSIS cho rằng quân đội Nga có thể tìm cách thôn tính Odessa, một thành phố cảng của Ukraine ở phía tây bắc của Crimea, bằng cách "điều các tàu đổ bộ của họ đến thẳng cảng Odessa và di chuyển thẳng vào thành phố".

Tuy nhiên, Odessa là một thành phố đông dân cư và chiến đấu trong đô thị ở đó sẽ có lợi cho lực lượng phòng vệ, trong khi các lực lượng Nga sẽ cần loại bỏ các hệ thống phòng không của Ukraine và sau đó liên kết với quân đội ở phía đông.

Hoàng Việt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-da-bao-vay-cac-phia-dua-ukraine-vao-the-gong-kim-post181294.html