Nga đã chuẩn bị cho cuộc chiến Ukraine từ khi nào?

Khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, Nga không thể tránh khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây, do đó Moscow đã chuẩn bị kỹ cho kịch bản này từ rất sớm.

Tổng thống Putin và các tướng lĩnh quân đội Nga

Tổng thống Putin và các tướng lĩnh quân đội Nga

Ngay sau khi quân đội Nga tràn qua biên giới Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo loạt trừng phạt bổ sung của Mỹ nhằm vào Nga, tập trung trên hai lĩnh vực: hạn chế xuất khẩu qua Nga và hạn chế khả năng của Nga trong việc giao thương bằng đô la Mỹ, đồng Euro châu Âu, đồng bảng Anh và đồng Yên Nhật Bản.

Theo chính phủ Hoa Kỳ, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ cắt đứt hơn một nửa nhập khẩu công nghệ cao của Nga, hạn chế nghiêm trọng khả năng nước này tiếp cận công nghệ và các mặt hàng khác để duy trì “khả năng quân sự năng động”.

Washington cũng quyết định cắt đứt kết nối của Sberbank, ngân hàng tín dụng lớn nhất của Nga, với hệ thống tài chính của Hoa Kỳ. Tài sản của Ngân Hàng VTB, định chế tài chính lớn thứ hai của Nga có liên kết với hệ thống tài chính Hoa Kỳ, cũng bị phong tỏa.

Xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ sang Nga hầu như bị cấm. Đối với ông Joe Biden, điều đó sẽ cản trở các dự án công nghiệp trong tương lai của Điện Kremlin. Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt này sẽ khiến Nga phải trả giá đắt ngay tức thời, nhưng cũng nói rằng một số tác động chỉ được nhìn thấy trong dài hạn.

Cùng ngày 24/2, lãnh đạo 27 quốc gia Liên minh châu Âu họp khẩn cấp, tại Bruxelles, Bỉ, thông qua hàng loạt các biện pháp trừng phạt Moscow trong 5 lĩnh vực: tài chính, năng lượng, vận tải, cũng như cấm vận xuất khẩu và các chính sách thị thực.

Thông qua các trừng phạt, châu Âu cho rằng có thể tấn công trực diện vào 70 % lĩnh vực ngân hàng của Nga, theo đó các ngân hàng Nga sẽ không còn quyền tiếp cận thị trường vốn cũng như nhiều doanh nghiệp lớn của Nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng. Châu Âu hy vọng các trừng phạt này sẽ làm xói mòn ngành công nghiệp và khả năng vay, cũng như làm lạm phát trầm trọng hơn.

Sẽ có cấm vận đối với xuất khẩu và việc tài trợ cho xuất khẩu trong các lĩnh vực chủ chốt của Nga. Đầu tiên là lĩnh vực năng lượng, nhằm ngăn cản Moscow duy trì và hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu. Tiếp đó là lĩnh vực vận tải hàng không, ngăn chặn việc cung ứng cho Nga các linh kiện phụ tùng, bởi vì 3/4 máy bay thương mại Nga là do châu Âu và Bắc Mỹ chế tạo. Cuối cùng là nguồn cung ứng căn bản phục vụ ngành công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn nhằm ngăn chặn kinh tế Nga phát triển.

Tuy nhiên, châu Âu vẫn chưa quyết định ngăn chặn các tổ chức tài chính Nga tham gia vào hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT. Nếu thực hiện biện pháp trừng phạt này, các tổ chức tài chính Nga sẽ bị ngắt kết nối với lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Theo các nhà quan sát, sở dĩ Nga có vẻ dửng dưng trước các trừng phạt trên, đó là vì trong gần một chục năm qua, sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Moscow đã thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu tác hại của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga.

Biện pháp đầu tiên và được thấy rõ nhất là tăng cường quan hệ với Trung Quốc, một nước cũng rất nghi kỵ phương Tây như Nga. Thỏa thuận về khí đốt trị giá 400 tỷ đô la trong vòng 30 năm ký kết với Bắc Kinh ngày 21 tháng 5 năm 2014, chỉ hai tháng sau khi Nga sáp nhập Crimea, được coi là một bước ngoặt thực sự.

Theo ông Jean-François Di Meglio, chuyên gia tài chính kiêm chủ tịch trung tâm nghiên cứu về Châu Á Asia Centre, Tổng thống Vladimir Putin đã hiểu rằng việc phát triển quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc có thể cho phép ông duy trì thế mạnh trong việc bảo vệ và tăng cường vùng ảnh hưởng của mình ở phía Tây. Trong khi đó, đối với Bắc Kinh, quan hệ chặt chẽ hơn với Nga cho phép nước này có thêm đồng minh chống lại đối thủ Mỹ.

Một điểm yếu của Nga dễ bị phương Tây khai thác: châu Âu vẫn là khách hàng đầu tiên của Moscow. Để tránh gây hại cho nền kinh tế của mình khi phải trừng phạt Nga, phương Tây thường nhắm vào giới tài phiệt thân cận với Điện Kremlin, những người sở hữu tài chính và bất động sản ở Châu Âu.

Tuy nhiên, trong một báo cáo do Viện Quan Hệ Quốc tế Pháp IFRI công bố, tiến sĩ kinh tế người Nga Vladislav Inozemtsev đã nêu bật là trong những năm gần đây Điện Kremlin đã nỗ lực tìm cách hóa giải mối đe dọa này: “Ngay cả trước khi tiến đánh Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã khởi động một chương trình nhằm giúp giới tài phiệt giảm bớt lệ thuộc vào phương Tây và thu hồi tài sản của họ ở nước ngoài”. Đối với chuyên gia Inozemtsev, chính sách này đã thành công. Một số tài phiệt ngày càng đầu tư vào trong nước thông qua việc mua các chuỗi cửa hàng, khu văn phòng, nhà máy và nhà hàng ở Nga.

Một vấn đề lớn đối với Nga vẫn là sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính Swift, một mạng lưới thanh toán quốc tế bằng đô la được hầu hết các tổ chức tài chính trên thế giới sử dụng để chuyển tiền.

Ngay cả về vấn đề này, vào năm 2018, Nga đã tung ra công cụ của riêng mình: hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS), hiện được kết nối với mạng liên ngân hàng Trung Quốc CIPS (Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc). Theo ông François Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp FRS, dù không thể cạnh tranh với Swift, nhưng đây là một công cụ có thể cung cấp một giải pháp thay thế nếu Nga bị đẩy ra ngoài hệ thống của phương Tây.

Nhìn chung, ông Putin đã biết biến nước Nga thành một “pháo đài tự chủ”, ít nợ nần quốc tế, đồng thời có trữ lượng ngoại tệ cao, có thể hoạt động một cách tự lập trong nhiều tháng trời vì đã bớt lệ thuộc nước ngoài.

Theo Reuters, hiện Nga có đến 643 tỷ đô la dự trữ ngoại hối, trong lúc doanh thu từ dầu khí đang bùng nổ nhờ giá tăng cao. Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga lên đến 5% GDP hàng năm và tỷ lệ nợ trên GDP chỉ là 20%, một trong những mức thấp nhất trên thế giới. Ngoài ra chỉ một nửa các khoản nợ của Nga là bằng đô la, giảm hẳn so với mức 80% của hai thập kỷ trước đây.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nga-da-chuan-bi-cho-cuoc-chien-ukraine-tu-khi-nao-643144.html