Nga đang sử dụng 'vũ khí' khí đốt để chống lại phương Tây
Nga đang sử dụng sức mạnh khí đốt của mình như một thứ vũ khí lợi hại trong cuộc chiến hỗn hợp với phương Tây, mặt trận mới nhất là đường ống dẫn khí Yamal-Europe.
Khí đốt trở thành… vũ khí!
Yamal-Europe là đường ống dẫn khí đốt dài nhất châu Âu, thường vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga sang Đức. Song điều ngược lại vừa diễn ra. Trong suốt cả tuần vừa rồi, dòng khí đốt của Nga từ Đức đã quay trở lại Ba Lan. Tại sao? Lý do bởi Ba Lan cần cứu viện ngay do nhiệt độ đã giảm xuống -10 độ C, trong khi Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt đến nước này.
Nga đang sử dụng khí đốt để làm vũ khi trong cuộc đối đầu hỗn hợp với phương Tây. Ảnh: AFP
Đây thực ra là điều đã được tiên đoán từ trước. Các nhà quan sát đã từng cảnh báo rằng Tổng thống Nga Vladmir Putin sẽ sử dụng năng lượng làm vũ khí nếu dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 (NS2) sang châu Âu bị phương Tây làm khó. Và giờ thì điều đó đã trở thành hiện thực.
Vào ngày 21/12 vừa rồi, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt qua Yamal-Europe, qua đó làm náo loạn thị trường. Giá bán buôn cho các đợt giao hàng tháng Giêng đã tăng vọt lên 160 euro, từ 100 euro vào ngày 9/12. Nhu cầu khí đốt cao ở châu Á cũng là nguyên nhân dẫn đến giá tăng vọt. Dù gì thì người tiêu dùng châu Âu sẽ còn phải hứng chịu sự tăng giá này vào năm 2022, qua đó sẽ kéo theo lạm phát.
Theo Cơ quan Mạng lưới Đức, 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu vào Đức đến từ Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ thông qua đường ống Yamal, chạy qua Nga, Belarus, Ba Lan và Đức. Công suất của nó là 32,9 tỷ mét khối khí mỗi năm. Vào năm 2020, 23% khí đốt của Nga đến Đức qua Belarus và Ba Lan với chiều dài 4.107 km.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đổ lỗi cho việc Gazprom cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho các nhà nhập khẩu ở Đức và Pháp và việc những nước này không ký các hợp đồng dài hạn. Ông nói, mọi vấn đề sẽ được giải quyết nếu như không có sự gây khó dễ của phương Tây với đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương bắc 2 (NS2) chạy từ Nga đến Đức dưới Biển Baltic. Như đã biết, đường ống này đang bị cuốn vào những sóng gió địa chính trị mạnh mẽ giữa Nga, NATO và các nước phương Tây nói chung, trong đó có Mỹ.
Putin mới đây còn ví von về việc phương Tây gây khó cho Nga trong dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 rằng: "Họ đang cưa cành cây mà họ đang ngồi trên đó"!
“Gậy ông đập lưng ông”
Với việc Ba Lan không tiếp tục ký các hợp đồng khí đốt dài hạn với Gazprom và Ukraine đang là cái gai trong mắt người Nga, điều tối quan trọng với chính phủ của ông Putin là phải làm những gì cần thiết để giúp dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sớm đưa vào vận hành, trong đó buộc Đức phải phụ thuộc hơn vào nguồn cung cấp khí đốt của mình. Và cuối cùng, Nga sẽ khiến cho phương Tây thấy rằng họ cần khí đốt giá rẻ của Nga đến mức nào!
Nga xây dựng dự án Dòng chảy Phương bắc 2 (Nord Stream 2) phần lớn ở dưới biển. Và phương Tây không thích điều này!
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới cho biết châu Âu đang thiếu nguồn cung cấp bổ sung từ Nga vì sự chậm trễ của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, tức cáo buộc chính việc phương Tây gây khó cho dự án này đã gây ra vấn đề, giống như ý của ông Putin trước đó.
Ông Novak nói với kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya-24 rằng: “Mọi vấn đề ở Tây Âu đều do chính họ tạo ra. Họ không thể đổ lỗi cho Gazprom. Tốt hơn hết là họ nên soi lại chính mình".
Để rồi sau đó, Ukraine cho biết hôm thứ Sáu vừa rồi rằng Nga đang ngày càng gửi ít khí đốt đến châu Âu qua Ukraine hơn so với thỏa thuận trong hợp đồng vận chuyển. Gazprom và Ukraine từng ký một thỏa thuận 5 năm về việc vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu vào cuối năm 2019.
Thực ra, Ukraine có năng lực vận chuyển dòng khí đốt gần gấp đôi so với dự án NS2, nhưng hiển nhiên Gazprom hay Nga nói chung sẽ không sử dụng nó.
Trong khi đó, Đức và một số quốc gia phương Tây khác được cho rằng đang gián tiếp giúp Nga mạnh tay hơn trong việc “vũ khí hóa khí đốt”, do những nước này đã lên kế hoạch chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh.
Cựu quan chức ngoại giao EU Albrecht Rothacher đánh giá: “Việc Đức rút lui khỏi hạt nhân, than đá và cuối cùng là dầu mỏ đã khiến cuộc chơi nằm trong tay Nga, vì năng lượng tái tạo không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng”.
Sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga đã tăng từ 40% lên 53% so với năm ngoái, do Hà Lan ngừng sản xuất, còn lượng khí đốt hóa lỏng của Mỹ đang được vận chuyển đến Đông Á do được giá cao hơn.
Như vậy, việc châu Âu đang đi tiên phong trong việc cải thiện khí hậu, nhưng lại chậm trễ trong quá trình chuyển đổi, đã khiến họ sớm phải nhận những đón giáng khá mạnh từ “vũ khí khí đốt” của người Nga.
Ban đầu, phương Tây, trong đó có Mỹ, muốn gây khó khăn cho Dòng chảy Phương Bắc 2 là nhằm hạn chế sức mạnh kinh tế, cũng như tầm ảnh hưởng về địa chính trị nói chung, của Nga trong khu vực.
Song người Nga đã dùng đòn “gậy ông đập lưng ông” để đối phó với phương Tây, và rõ ràng đang có được những thành công ban đầu. Hay nói cách khác, Nga đang sử dụng khí đốt như vũ khí chiến lược trong cuộc đối đầu hỗn hợp với phương Tây, và nó đang cho thấy sự hiệu quả, ít nhất trong mùa đông này!