Nga đánh chặn 4 tên lửa ATACMS, tố Ukraine tập kích cơ sở chất thải hạt nhân
Nga tố Ukraine sử dụng máy bay không người lái (UAV) để tập kích cơ sở xử lý chất thải hạt nhân của nhà máy điện Kursk. Nga đánh chặn 4 tên lửa tầm xa ATACMS và hàng loạt UAV của Ukraine.
Theo Reuters, trong ngày 28/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thông báo, UAV của Ukraine mới đây đã đâm vào cơ sở xử lý chất thải hạt nhân của nhà máy điện Kursk. Bà Zakharova cho rằng Kiev biết rõ hành động này có thể dẫn tới một thảm họa hạt nhân toàn diện.
"Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động của Ukraine. Những hành vi như vậy có thể dẫn tới hậu quả không thể khắc phục", bà Zakharova nói.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, 1 UAV của Ukraine đã làm hư hại bức tường của cơ sở xử lý chất thải hạt nhân, 2 UAV khác đâm vào khu hành chính của nhà máy điện. Không có thương vong được ghi nhận và hoạt động của nhà máy điện Kursk vẫn diễn ra bình thường.
Theo Reuters, vụ tập kích của Ukraine xảy ra sau khi Tổng thống Zelensky tố Nga dùng UAV tấn công vùng Khmelnitskyi.
Nga đánh chặn 4 tên lửa tầm xa ATACMS
Theo TASS, trong ngày 28/10, Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo về việc quân đội nước này đánh chặn được 4 tên lửa ATACMS, 2 bom dẫn đường JDAM, 3 tên lửa HARM và 8 tên lửa của hệ thống HIMARS.
Trong vòng 24 giờ qua, lực lượng phòng không của Nga cũng bắn hạ 36 UAV của Ukraine tại Donetsk, Luhansk và Zaporizhzhia. Bên cạnh đó, quân đội Ukraine còn tổn thất thêm 1 cường kích Su-25 và 1 tiêm kích MiG-29.
Cùng ngày, lực lượng phòng không Ukraine đã thông báo về việc bắn hạ 3 trong số 4 tên lửa hành trình Iskander được Nga phóng về tỉnh Dnipropetrovsk. Tên lửa còn lại cũng không tới được mục tiêu. Chính quyền tỉnh Dnipropetrovsk không ghi nhận thương vong nào.
Ukraine, Hà Lan đàm phán thỏa thuận đảm bảo an ninh
Theo tờ Kyiv Independent, trong ngày 28/10, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, Ukraine và Hà Lan đã bắt đầu đàm phán cho một thỏa thuận song phương về đảm bảo an ninh theo tuyên bố chung của G7. Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra bên lề hội nghị công thức hòa bình Ukraine ở Malta.
Hà Lan đã trở thành quốc gia thứ sáu sau Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản và Pháp, và là quốc gia đầu tiên không thuộc G7 đàm phán đảm bảo an ninh với Ukraine.