Nga đạt thứ hạng cao nhất từ trước tới nay trong bảng xếp hạng SEDA
Với những cải thiện đáng kể nhất trong 2020 về ổn định kinh tế, Nga đã đạt thứ hạng cao nhất từ trước tới nay của nước này trong bảng kết quả Chỉ số Phát triển kinh tế bền vững toàn cầu khi xếp hạng 53.
Theo ông Dmitry Garanin, Giám đốc điều hành và đối tác của tập đoàn tư vấn The Boston Consulting Group (BCG), cũng đồng thời là người đứng đầu nhóm chuyên gia phụ trách theo dõi khu vực kinh tế công ở Nga, kết quả phân tích của công cụ Đánh giá Phát triển kinh tế bền vững (SEDA) do BCG thực hiện cho thấy số điểm tổng thể mà Nga đạt được là 56,4.
Đây là số điểm cao nhất của Nga từng được thống kê. So với năm 2016, Nga đã tăng thêm 3,49 điểm tổng thể, trong khi đó Trung Quốc tăng 3,15 điểm trong giai đoạn này (đạt thứ hạng 58). Ông Garanin cũng lưu ý rằng nghiên cứu cũng cho thấy những động lực tích cực trong lĩnh vực sinh thái và số hóa. Trong ổn định kinh tế, Nga đã đạt được những bước tiến đáng chú ý nhất, nâng kết quả từ 72 lên 80 điểm
Theo kết quả phân tích của SEDA, Thụy Sĩ dẫn đầu bảng xếp hạng, Na Uy ở vị trí thứ hai và Phần Lan ở vị trí thứ ba. Trong top 10 nước dẫn đầu còn có Iceland, Áo, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển, Singapore và Luxembourg.
BCG cho biết đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng căng thẳng xã hội, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và gây gián đoạn hoạt động của hệ thống y tế thậm chí ở cả những nước có thu nhập cao. Trong khi đó, tại các nước thu nhập thấp và đang phát triển, đại dịch làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Tuy nhiên, thực tế là các quốc gia đầu tư vào những khía cạnh phát triển xã hội khác nhau và chuyển đổi thành công sự giàu có thành phúc lợi xã hội đã giảm nhẹ được hậu quả về kinh tế - xã hội do đại dịch gây ra.
Các chuyên gia của BCG lưu ý phát hiện quan trọng của báo cáo là trong khi cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, các quốc gia cần tính đến viễn cảnh dài hạn và thực hiện các khoản đầu tư để đạt được tiến bộ nhanh hơn và bền vững hơn trong giai đoạn phục hồi sắp tới. Cụ thể, nghiên cứu của BCG nêu bật ba lĩnh vực trọng điểm cần tập trung đầu tư, đó là chống biến đổi khí hậu, đầu tư vào số hóa và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để đảm bảo tăng trưởng đồng đều và công bằng.