Nga để châu Âu vuột khỏi 'vòng kim cô' khí đốt hay toan tính 'hồi sinh' Nord Stream?

Tổng thống Nga Putin và gã khổng lồ năng lượng Gazprom đều cho biết, họ có 'các quy tắc của riêng mình' về xuất khẩu khí đốt.

Nga muốn kết hợp dự án TurkStream hiện có, để hình thành một trung tâm trung chuyển khí đốt mới tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm bán cho các nước thứ ba, đặc biệt là các quốc gia châu Âu. (Nguồn: Intellinews)

Nga muốn kết hợp dự án TurkStream hiện có, để hình thành một trung tâm trung chuyển khí đốt mới tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm bán cho các nước thứ ba, đặc biệt là các quốc gia châu Âu. (Nguồn: Intellinews)

Và hiện tại, Nga đang quan tâm đến trung tâm khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ hơn là khởi động lại Nord Stream.

Từ sau các “vụ nổ bí ẩn” phá hoại đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc), cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch điều hành Gazprom Alexei Miller đều nói rõ quan điểm rằng, nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 sẽ không được khôi phục. Thay vào đó, Moscow đã đề xuất và đang trong quá trình khởi động cho mục tiêu xây dựng một đường ống mới với Thổ Nhĩ Kỳ - đóng vai trò là trung tâm khí đốt lớn nhất trong khu vực.

Người đứng đầu Gazprom nói, họ nhận thấy không có gì cấp thiết trong việc thu xếp sửa chữa các đường ống Nord Stream 1 và 2 sau những hư hỏng do vụ nổ vào cuối tháng 9 ở khu vực biển Baltic của Thụy Điển và Đan Mạch.

Ông Miller cảnh báo, việc sửa chữa đường ống Nord Stream 1 có thể mất "nhiều năm" để hoàn thành.

“Kể cả việc sửa chữa hoàn tất, dòng khí đốt hiện tại không thể được đưa vào đường ống vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ngăn cản việc cung cấp tua-bin cho trạm bơm nén trên bờ biển Baltic của Nga”, Chủ tịch Gazprom cho biết thêm.

Ông cũng nhắc lại tuyên bố trước đó của Tổng thống Putin rằng, việc cung cấp khí đốt cho châu Âu có thể bắt đầu gần như ngay lập tức, qua đường ống không bị hư hại còn lại trên Nord Stream 2, đường ống này đã được chứng nhận bởi Đức.

Tuy nhiên, người đứng đầu Gazprom cảnh báo, bất kỳ khí đốt nào được cung cấp qua đường Nord Stream 2 thứ hai sẽ phải liên quan đến các hợp đồng mới và tách biệt hoàn toàn với các nghĩa vụ của Nga theo thỏa thuận dài hạn hiện có.

Thay vào đó, ông Miller ủng hộ đề xuất của Tổng thống Putin về việc xây dựng các đường ống mới xuyên Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với dự án TurkStream (đường ống Thổ Nhĩ kỳ) hiện có, để hình thành một trung tâm trung chuyển khí đốt mới tại Thổ Nhĩ Kỳ để bán cho các nước thứ ba, đặc biệt là các nước châu Âu. Thậm chí, theo nhà lãnh đạo Nga, trung tâm này còn có thể đóng vai trò như một nền tảng để điều chỉnh giá khí đốt về mức thị trường bình thường mà không có bất kỳ mục đích chính trị nào.

TurkStream bao gồm hai tuyến dưới biển, với tổng công suất thông qua 31,5 tỷ m3 khí đốt/năm, trong đó gần một nửa đi vào thị trường châu Âu qua Hy Lạp. Các đường ống ở dưới Biển Đen được kỳ vọng “sẽ ít bị tổn thương hơn” không chỉ vì chúng nằm ở độ sâu hơn 2.000 mét.

Dự án mới của Nga còn nhận được sự đảm bảo vững chắc của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từ việc chọn địa điểm thích hợp, xây dựng đến vận hành đường ống. Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng vẫn giữ thái độ trung lập trong suốt cuộc xung đột tại Đông Âu. Tổng thống Erdoga vẫn duy trì quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine, đồng thời hạn chế tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow.

Chủ tịch Gazprom Miller cũng cho biết, Gazprom không có ý định quay trở lại thị trường châu Âu trừ khi các nhà chức trách lục địa này dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và đồng ý với các điều khoản cung cấp khí đốt của Nga.

Trong khi đó, đánh giá về mặt thời gian, ông Miller cho biết, việc Nga chuyển hướng qua các tuyến đường ống trên Biển Đen sẽ lợi hơn là phải mất nhiều tháng sửa chữa tuyến đường ống bị hỏng. Còn về năng lực vận chuyển, hệ thống mới có thể không kém Nord Stream ở biển Baltic.

Phó Giáo sư Gregory Simons thuộc Viện Nghiên cứu Nga và Á-Âu thuộc Đại học Uppsala nhận định, thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, Nga có thể bỏ qua các tuyến đường phía Bắc khi leo thang căng thẳng trong quan hệ với các nước Bắc Âu, để tiếp cận trực tiếp hơn với các thị trường mới.

“Tôi nghĩ rằng đề xuất trên có lợi cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về cả địa chính trị và địa kinh tế. Vấn đề trừng phạt cũng trở nên ít ảnh hưởng hơn khi Ankara là người trung gian. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có được một nguồn thu nhập và nhiều việc làm mới, đồng thời cũng là đòn bẩy mạnh hơn nữa trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU)”, Giáo sư Gregory Simons phân tích.

Hiện tại, Ankara hứa sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho việc xây dựng trung tâm khí đốt quốc tế trong thời gian nhanh nhất có thể.

Tuy nhiên, ở một diễn biến khác liên quan câu chuyện khí đốt, tờ Politico mới đây dẫn số liệu của Ủy ban châu Âu cho hay, mặc dù nguồn cung khí đốt qua đường ống giảm đáng kể trong năm nay, song nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga vào EU đã tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 9/2022, các nước EU đã giảm một nửa nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga - từ 105,7 tỷ m3 trong 9 tháng đầu năm 2021, xuống còn 54,2 tỷ m3 trong cùng kỳ năm nay; nhưng họ đã nhập 16,5 tỷ m3 LNG của Nga, tăng so với 11,3 tỷ m3 trong cùng kỳ năm ngoái.

Việc cắt giảm khí đốt đường ống vẫn đang diễn ra mạnh mẽ do Nga hạn chế cung cấp và các nước EU đa dạng hóa nhập khẩu từ các nơi khác. Tuy nhiên, việc EU mua LNG của Nga lại là một câu chuyện khác.

Mặc dù sự gia tăng LNG mới chỉ là con số nhỏ so với sự sụt giảm khí đốt đường ống, song giới quan sát thị trường năng lượng cho rằng, sự gia tăng LNG đang đi ngược lại với lời lẽ của châu Âu và không hẳn là không có rủi ro.

(theo Upstreamonline, Politico)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-de-chau-au-vuot-khoi-vong-kim-co-khi-dot-hay-toan-tinh-hoi-sinh-nord-stream-205037.html