Nga đề xuất thỏa thuận hạt nhân tạm thời với Iran
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, truyền thông địa phương đưa tin trong vài tuần qua Nga đã thảo luận với Iran về khả năng đạt một thỏa thuận tạm thời nhằm nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Thỏa thuận tạm thời có thể bao gồm việc dỡ bỏ một số lệnh cấm vận để đổi lấy việc tái áp đặt một vài hạn chế với chương trình hạt nhân của Tehran. Cho tới nay, Iran vẫn bác bỏ thông tin đã thảo luận với Nga về vấn đề này.
Về phía Mỹ, một quan chức cấp cao nước này cho biết "mặc dù không thể khẳng định có hay không các cuộc thảo luận giữa Nga và Iran, nhưng tại thời điểm này chưa có thỏa thuận tạm thời nào được đưa ra đàm phán một cách nghiêm túc. Washington dự kiến sẽ đưa ra lịch trình dựa trên các đánh giá kỹ thuật về tiến bộ trong vấn đề hạt nhân của Iran.
Trong một diễn biến liên quan, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ Robert Malley cho rằng sẽ khó ký được thỏa thuận với Iran nếu Tehran không trả tự do cho các công dân Mỹ đang bị giam giữ. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 23/1, ông Malley cho biết đây là hai vấn đề riêng rẽ và Washington sẽ thúc đẩy cả hai, tuy nhiên Mỹ “khó có thể tưởng tượng rằng sẽ trở lại thỏa thuận hạt nhân” trong khi vẫn chưa giải quyết vấn đề công dân nước này bị Iran bắt làm con tin.
Các đại diện của Iran và Nhóm P4+1 (gồm Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức - các thành viên còn lại tham gia ký thỏa thuận JCPOA) đã bắt đầu vòng đàm phán thứ 8 tại Vienna vào ngày 27/12/2021, trong đó tập trung vào nội dung dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt Tehran sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Mỹ tham gia đàm phán gián tiếp. Vòng đàm phán này được nối lại vào ngày 3/1 sau dịp nghỉ Năm mới và có bổ sung một số yêu cầu của Iran vào tiến trình làm việc.
Theo JCPOA được ký năm 2015, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận do cho rằng JCPOA còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Về phần mình, Tehran cũng thu hẹp dần các cam kết của mình trong thỏa thuận này sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu không thu được kết quả.