Nga đối mặt cú sốc lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập niên
Với mức lạm phát tăng 2,2% chỉ trong vòng một tuần, cao nhất kể từ năm 2008, giới doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Nga bắt đầu cảm thấy tác động từ cú sụp đổ của đồng rúp.
Dữ liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Nga trong tuần từ 26-2 đến 4-2 về mức tăng giá đáng chú ý của một số mặt hàng gồm xe lắp ráp nội địa, xe nhập khẩu, tivi, smartphone, cà chua, chuối, vitamin tổng hợp. Ảnh: Bloomberg
Nga đang chuẩn bị đối mặt với một trong những đợt tăng lạm phát lớn nhất trong thập niên này sau khi lệnh trừng phạt của phương Tây kích hoạt đà lao dốc của đồng rúp và làm gián đoạn thương mại của Nga với thế giới bên ngoài.
Chỉ trong vòng một tuần kể từ khi Nga phát động tấn công Ukraine vào cuối tháng 2, giá xe hơi mới ở trong nước tăng 17%, giá ti-vi tăng 15%. Một số loại thuốc men và rau quả tăng từ 5-7%.
Nhìn chung, lạm phát trong tuần từ 26-2 đến 4-3 đạt 2,2%, theo báo cáo của Cơ quan Thống kê liên bang Nga hôm 9-3. Đây là mức tăng giá cả tiêu dùng hàng tuần mạnh nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 2008 và cao hơn gấp đôi so với mức kỷ lục trước đó. Theo Bộ Kinh tế Nga, nếu tính trên cơ sở hàng năm, lạm phát tăng 10,4% tính đến 4-3.
Cho đến nay, đó là một trong những thước đo rõ ràng nhất về tổn thương của nền kinh tế Nga do chiến sự ở Ukraine. Đối với một quốc gia ngày càng bị cắt đứt với thế giới bên ngoài, nguy cơ thiếu hụt hàng hóa đã khiến Moscow ban hành lệnh cấm tạm thời tái xuất các sản phẩm y tế ra nước ngoài. Hôm 8-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký sắc lệnh cấm hoặc hạn chế thương mại đối với một số hàng hóa và nguyên liệu thô để ứng phó với lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồnng minh. Danh sách các mặt hàng này vẫn chưa được công bố cụ thể.
Đồng rúp đã giảm giá đến 40% so với đô la Mỹ trong năm nay và điều này sẽ tiếp tục tàn phá tài chính của các hộ gia đình Nga, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt tương tự như những năm của thập niên 1990.
Scott Johnson, nhà kinh tế của Bloomberg Economics, nói: “Điều còn chưa rõ là mức độ của tỷ giá đồng rúp thẩm thấu sang giá cả hàng hóa và tình trạng gián đoạn đối với nguồn cung sẽ tăng thêm như thế nào. Cú sốc có thể nhỏ nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến người tiêu dùng Nga không tiếp cận hàng hóa nhập khẩu đắt đỏ. Nhưng cú sốc có thể lớn hơn và kéo dài lâu hơn nếu vấn đề thiếu hụt hàng hóa nhập khẩu gây tác động lan tỏa khắp các chuỗi cung ứng hoặc khiến người tiêu dùng Nga đổ xô mua vét sạch những gì còn lại trên các kệ hàng, hoặc các cửa hàng tăng giá bán do sức ép giảm giá của đồng rúp, khiến chi phí của mọi thứ tăng cao hơn”.
Bloomberg Economics dự đoán lạm phát của Nga sẽ đạt đỉnh ở mức 19% hàng năm vào tháng 7 tới, so với mức 9,2% trong tháng 2, và đạt khoảng 16% vào cuối năm nay. Ngân hàng Bank of America dự báo lạm phát của Nga sẽ tăng lên 20% trong năm nay. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia ở London (Anh) cho rằng lạm phát của nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới thậm chí sẽ vượt mức đó. Lạm phát của Nga chưa bao giờ lên đến mức 20% kể từ năm 2001.
Liam Peach, nhà kinh tế ở Công ty tư vấn Capital Economics, nhận định: “Sự sụp đổ của đồng rúp do phản ứng với cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ đẩy lạm phát lên đáng kể trong những tháng tới. Lạm phát sẽ trầm trọng hơn bởi các hạn chế đối với thương mại quốc tế và tình trạng thiếu hàng hóa ở Nga. Kể từ ngày 4-3, đồng rúp tiếp tục giảm và các báo cáo cho thấy tình trạng gián đoạn đối với xuất khẩu và nhập khẩu của Nga ngày càng lan rộng vì vậy, đây có thể chỉ là sự khởi đầu của áp lực lạm phát”.
Đầu năm 2008, một đô la chỉ đổi được gần 25 rúp nhưng hôm 9-3, một đô la có thể mua đến 117 đồng rúp ở Moscow sau khi đồng tiền này giảm thêm 10%, xuống mức thấp kỷ lục mới.
Người dân đi mua sắm trong một siêu thị ở Moscow, Nga. Ảnh: NY Times
Các nhà bán lẻ ở Nga đã bắt đầu hạn chế mua các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong những ngày gần đây, sau khi có các thông tin ghi nhận hiện tượng đầu cơ tích trữ những mặt hàng này do đồng rúp giảm giá mạnh.
Một loạt các công ty đa quốc gia đã rời bỏ Nga để bày tỏ thái độ phản đối cuộc tấn công của Nga ở Ukraine, làm tăng thêm lo ngại về tình trạng khan hiếm hàng hóa. Những nỗ lực của Ngân hàng trung ương Nga nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của đồng rúp bao gồm tăng lãi suất lên 20% và công bố các biện pháp hạn chế đối với việc rút ngoại tệ cho đến nay đã không thể ngăn chặn xu hướng giảm giá của đồng rúp.
Sergey Aleksashenko, một cựu quan chức của Bộ Tài chính Nga, nói: “Dòng tiền bị rút ra khỏi các tài khoản tiền gửi ngoại tệ từ các ngân hàng của Nga đã vượt mức dự báo của Ngân hàng trung ương Nga”.
Tác động của lạm phát bắt đầu được cảm nhận rõ ở các thành phố lớn của Nga. Abu Ghosh, một quán cà phê Trung Đông, nằm gần khu phố cổ Arbat ở Moscow, cho biết giá cả một số nguyên liệu tăng đến 300%. Quán cà phê Chernyi Cooperative, tọa lạc ở một khu vực trung tâm của Moscow, thông báo sẽ phải thay đổi giá bán vào thứ Sáu hàng tuần do tỷ giá hối đoái biến động.
“Chúng tôi mua cà phê mỗi tuần theo tỷ giá hối đoái hiện hành, vì vậy, giá bán của chúng tôi sẽ thay đổi”, Chernyi Cooperative cho biết trong một bài viết đăng trên Instagram.
Theo Bloomberg, Guardian
Chánh Tài