Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã đặt hàng công ty đóng tàu Almaz tại St. Petersburg chế tạo tàu phá băng thứ hai thuộc Dự án 21180M, đây là thông tin thu hút sự chú ý đặc biệt từ báo chí trong nước.
Lễ đặt ky (sống chính) khởi đóng con tàu diễn ra hôm 1/9, trùng với lễ kỷ niệm 90 năm thành lập nhà máy, thông điệp từ Cơ quan báo chí quận Petrogradsky trực thuộc thành phố St. Petersburg cho biết.
Dự kiến Hải quân Nga sẽ nhận thêm một tàu phá băng Dự án 21180M sau tàu dẫn đầu Evpatiy Kolovrat. Con tàu đang được chế tạo tại nhà máy Almaz sẽ mang tên Svyatogor và biên chế cho Hạm đội phương Bắc, tuy nhiên đây chỉ là thông tin sơ bộ và có thể thay đổi.
Tàu dẫn đầu của Dự án 21180M - chiếc Evpatiy Kolovrat cũng được đóng tại nhà máy Almaz, sau khi hoàn thành thì nó đã được đưa tới bán đảo Kamchatka để tiến hành những bài kiểm tra cuối cùng trước khi bàn giao cho Hạm đội Thái Bình Dương.
Tàu phá băng Dự án 21180M tính đến thời điểm hiện tại chỉ bao gồm hai chiếc là Svyatogor đang được chế tạo và Evpatiy Kolovarat đã hoàn thiện, đây là thiết kế phát triển từ Dự án 21180.
Cần nói thêm đó là Bộ Quốc phòng Nga từng lên kế hoạch đặt hàng 4 tàu phá băng thuộc Dự án 21180, tuy nhiên chỉ có duy nhất một chiếc được chế tạo - đó là tàu phá băng mang tên Ilya Muromets.
Hiện tại Hải quân Nga đã quyết định chế tạo tàu phá băng theo Dự án 21180M được sửa đổi. Khác với thiết kế cũ, những con tàu mới là phiên bản hạng nhẹ với lượng giãn nước nhỏ hơn, đây là sản phẩm của Cục thiết kế Nizhny Novgorod mang tên Vympel.
Theo thông báo từ nhà thiết kế, tàu phá băng Dự án 21180M có lượng giãn nước tối đa 4.080 tấn, chiều dài thân 82 mét, chiều rộng 19 mét, mớn nước 4,6 mét, thủy thủ đoàn bao gồm 28 người.
Con tàu có tốc độ tối đa 14 hải lý/giờ, phạm vi hoạt động 7.600 hải lý, thời gian bám biển liên tục 30 ngày. Phía sau đuôi tàu có sàn đáp cho 1 máy bay trực thăng và đủ sức phá vỡ lớp băng dày tới 1 mét khi chạy ở tốc độ 2 hải lý/giờ.
Lớp tàu này được thiết kế để triển khai lực lượng trong điều kiện băng giá, ngoài chức năng mở đường thì nó còn đảm nhiệm được vai trò tàu kéo. Mớn nước thấp của con tàu cho phép vào tất cả các cảng nằm trong Tuyến đường biển phương Bắc.
Như vậy có thể thấy rằng trong tương lai, tàu phá băng Dự án 21180M sẽ không chỉ được sử dụng trong Hải quân Nga mà nhiều khả năng còn được đóng phục vụ các cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo giao thông vận tải.
Tàu phá băng Dự án 21180M sẽ giúp Nga kiểm soát và khai thác tốt hơn Tuyến đường biển phương Bắc - vùng nước bị băng giá bao phủ và tàu thuyền chẳng thể đi qua nếu thiếu tàu phá băng dẫn đường.
Số lượng lớn tàu phá băng Dự án 21180M sẽ đảm bảo ưu thế tuyệt đối cho Moskva trước mọi đối thủ có ý định tiến vào Tuyến đường biển phương Bắc, khi họ khẳng định đây là vùng biển quốc tế chứ không phải vùng nội thủy của Nga.
Khó khăn lớn nhất đối với Mỹ, Na Uy hay một quốc gia nào khác đó là họ chưa có đội tàu phá băng đông đảo và tính năng cao như sản phẩm do Nga chế tạo và chênh lệch dự kiến chưa thể thu hẹp trong tương lai gần.