Nga đưa hết phương tiện ra khỏi một căn cứ quan trọng ở Crimea

Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy một căn cứ quan trọng của Nga ở phía Bắc Crimea đã trống trơn.

Căn cứ quân sự ở Medvedivka, Crimea ngày 11/2. Ảnh: Maxar Technologies

Căn cứ quân sự ở Medvedivka, Crimea ngày 11/2. Ảnh: Maxar Technologies

Theo kênh CNN ngày 26/4, căn cứ trên ở gần làng Medvedivka và gần biên giới với vùng Kherson, là nơi chứa một số lượng đáng kể phương tiện thiết giáp của Nga.

Hình ảnh từ vệ tinh Sentinel 2 của Liên minh châu Âu (EU) chụp ngày 21/1 cho thấy căn cứ này có một lượng lớn thiết bị của Nga. Hình ảnh Maxar có độ phân giải cao hơn chụp ngày 11/2 cho thấy hàng chục phương tiện bọc thép, trong đó có cả xe tăng và pháo. Nhưng hình ảnh mới hơn do vệ tinh Sentinel 2 của EU chụp lại cho thấy hầu hết các phương tiện đó không còn trong căn cứ trên.

Căn cứ tại Medvedivka nhìn từ trên cao vào ngày 21/1. Ảnh: Copernicus Sentinel-2

Căn cứ tại Medvedivka nhìn từ trên cao vào ngày 21/1. Ảnh: Copernicus Sentinel-2

Hiện chưa rõ tại sao Nga lại di dời thiết bị hoặc chuyển đi đâu, nhưng hồi đầu tháng 4, các quan chức do Nga bổ nhiệm ở Crimea dự báo Ukraine sẽ thực hiện một cuộc phản công nhằm vào bán đảo này. Thống đốc Crimea do Nga bổ nhiệm, ông Sergei Aksyonov, ngày 11/4 cho biết: “Tôi nghĩ rằng quyết định xây dựng các công trình phòng thủ ở Crimea và trên các đường tiếp cận bán đảo này là đúng đắn và hợp lý”.

Hình ảnh Maxar chụp từ ngày 11/2 đến ngày 16/2 cho thấy nhiều công trình phòng thủ gần Medvedivka, trong đó có mạng lưới chiến hào và hàng rào bê tông chống tăng được xếp theo kiểu “răng rồng”. Hồi đầu năm, ảnh chụp của Maxar ngày 3/1 cho thấy các công sự này nhỏ hơn nhiều.

Ông Aksyonov cho biết thêm: “Nói chung, tôi có thể nói rằng các lực lượng vũ trang của chúng ta đã xây dựng một hệ thống phòng thủ hiện đại. Điều này không có nghĩa là các công sự này nhất thiết sẽ được sử dụng cho mục đích đã định. Chúng ta phải chuẩn bị cho mọi kịch bản và chúng ta đã làm được”.

Căn cứ tại Medvedivka nhìn từ trên cao vào ngày 27/3. Ảnh: Copernicus Sentinel-2

Căn cứ tại Medvedivka nhìn từ trên cao vào ngày 27/3. Ảnh: Copernicus Sentinel-2

Trước những bình luận của ông Aksyonov, các chuyên gia cho rằng việc rút thiết bị quân sự Nga khỏi căn cứ ở Medvedivka có thể liên quan đến các hoạt động phòng thủ đề phòng cuộc phản công của Ukraine.

Nga chưa bình luận gì về thông tin của CNN.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 24/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này đang chuẩn bị một cuộc tấn công để giành lại bán đảo Crimea từ tay Nga. Theo đài RT (Nga), ông Zelensky cho biết Ukraine đang thành lập các đơn vị mới để thực hiện nhiệm vụ này và các binh sĩ đang được đào tạo ở nước ngoài.

Tổng thống Zelensky cùng nhiều các quan chức hàng đầu khác của Ukraine từng nhiều lần cam kết giành lại tất cả các lãnh thổ cũ của Ukraine từ tay Nga, kể cả Crimea. Bán đảo này đã sáp nhập vào Nga năm 2014.

Tháng 9/2022, bốn khu vực của Ukraine là các nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson cũng đã sáp nhập Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, cả việc sáp nhập bán đảo Crimea và 4 vùng lãnh thổ trên đều không được phương Tây không công nhận.

Ukraine và những quốc gia ủng hộ nước này vẫn coi các khu vực này là một phần của Ukraine. Giới chức Ukraine cũng khẳng định giành lại bán đảo Crimea là mục tiêu dài hạn của nước này.

Ukraine liên tục kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa để có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu sau chiến tuyến của Nga, trong đó có Crimea. Tuy nhiên, giới chức phương Tây vẫn lo ngại việc tấn công Crimea sẽ khiến xung đột leo thang, Nga sẽ có phản ứng mạnh hơn.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đánh giá cơ hội Ukraine giành được chiến thắng quân sự hoàn toàn hoặc ngắn hạn rất thấp, đồng thời cảnh báo Nga vẫn có sức mạnh chiến đấu đáng kể bên trong Ukraine. Ông nhận định xác suất Ukraine đẩy lùi toàn bộ lực lượng Nga khỏi lãnh thổ, bao gồm Crimea, là không cao nếu xét về mặt quân sự.

Hôm 16/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Mỹ không “tích cực khuyến kích” Ukraine giành lại Crimea từ Nga. Nguồn tin cho biết theo quan điểm của ông Blinken, Mỹ không coi việc thực hiện chiến dịch giành lại Crimea là bước đi khôn ngoan vào thời điểm này.

Về phần mình, Nga đã nhiều lần cảnh báo Kiev về âm mưu tấn công Crimea. Đầu tháng 2, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, nói rằng cuộc tấn công nào vào Crimea sẽ bị coi là một cuộc tấn công trực diện vào Nga và sẽ gặp phải động thái trả đũa không thể tránh khỏi bằng mọi loại vũ khí.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nga-dua-het-phuong-tien-ra-khoi-mot-can-cu-quan-trong-o-crimea-20230427214237450.htm