Cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài đã gần hai năm, tác động nghiêm trọng đến cấu trúc địa chính trị của Đông Âu. Ukraine được sự hỗ trợ của hàng chục quốc gia phương Tây và thân phương Tây, nhưng Quân đội Nga vẫn có lợi thế đáng kể trước Ukraine.
Không những thế, Mỹ và phương Tây cũng phải “choáng” về khả năng dự trữ quốc phòng của Nga. Đúng là Quân đội Nga đã mất rất nhiều trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến trên chiến trường Ukraine, như các loại xe tăng chiến đấu chủ lực T-90, T-80 và T-72B3.
Nhưng cho dù như vậy, Nga vẫn có thể liên tục đưa xe tăng ra chiến trường, thậm chí một số xe tăng đời cũ vẫn là cơn ác mộng đối với bộ binh hạng nhẹ Ukraine. Những xe tăng thế hệ cũ bị loại biên từ lâu, đã được Quân đội Nga trang bị cho các lực lượng phòng ngự.
Theo các hình ảnh được truyền thông địa phương của Nga đưa tin, một số đoàn tàu quân sự chở đầy xe tăng T-54 và T-55 trong năm 2023, đã xuất phát từ thành phố Arsenyev ở Viễn Đông, hướng tới chiến trường Ukraine.
Trên chiến trường Ukraine đã xuất hiện hình ảnh nhiều đơn vị của Nga sử dụng xe tăng T-55 cải tiến để chiến đấu. Mặc dù T-54/55 là thế hệ xe tăng đầu tiên sau Thế chiến hai, dù đã lạc hậu, nhưng xét về số lượng, thì đủ để Quân đội Nga "tiêu xài phung phí" trong một thời gian dài.
Nói đến thành phố Arsenyev, có lẽ nhiều người không biết gì về thành phố nhỏ bé ở vùng Viễn Đông nước Nga này. Nhưng nếu nhắc đến Nhà máy trực thăng Kamov của Nga, thì ước tính không ít người đã nghe đến cái tên nổi tiếng đó.
Lý do là Kamov là một trong hai “ông lớn” của ngành trực thăng Nga lừng lẫy, đó là Cục thiết kế trực thăng Miri (thiết kế và sản xuất trực thăng dòng Mi) và trực thăng Kamov (thiết kế và sản xuất trực thăng dòng Ka). Nhà máy chế tạo trực thăng Kamov nằm ở ngoại ô thành phố nhỏ này, hiện tại nhà máy đang liên tục sản xuất trực thăng vũ trang Ka-52.
Gần nhà máy sản xuất trực thăng Ka còn có một căn cứ dự trữ vật liệu chiến lược mang tên “Căn cứ dự trữ xe tăng trung tâm 1295”; là nơi cất giữ khoảng 1.000 xe tăng đã ngừng hoạt động, được niêm cất và đưa vào sử dụng khi cần.
Cái gọi là “Căn cứ dự trữ vật tư chiến lược” thực chất là một kho quân sự do Liên Xô xây dựng trong Chiến tranh Lạnh; mục đích của nó là cất giữ các loại vật tư quân sự dự trữ cho khả năng bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ ba.
Đối với nhiệm vụ sản xuất xe tăng của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô trong chiến tranh Lạnh có 4 nhiệm vụ sau. Thứ nhất là bảo đảm trang bị cho Quân đội Liên Xô, đổi mới và nâng cấp những xe tăng cũ; đây là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Thứ hai, cung cấp cho quân đội các nước thuộc khối Warszawa và các nước đồng minh khác của Liên Xô. Thứ ba là xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Và thứ tư, một phần không nhỏ xe tăng sản xuất ra, được chuyển đến cơ sở dự trữ, để làm vũ khí dự trữ chiến lược cho Thế chiến ba.
Như vậy, một số xe tăng do 5 nhà máy sản xuất xe tăng lớn ở Liên Xô sản xuất đã được vận chuyển thẳng đến cơ sở bảo quản để cất giữ sau khi xuất xưởng, tức là để dự trữ xe mới. Ngoài ra, một số xe tăng kiểu cũ đã lạc hậu, cũng sẽ được chuyển sang khu dự trữ, sau khi sửa chữa và niêm cất.
Hiện nay, Nga được kế thừa 17 căn cứ dự trữ vật chất chiến lược quy mô lớn từ thời Liên Xô, 8 trong số đó được dùng để chứa xe tăng, với tổng số lượng khoảng 6.000 chiếc. Và trong số đó, có khoảng 50% xe tăng ở tình trạng tương đối tốt, chúng có thể trực tiếp ra chiến trường sau khi trùng tu.
Phải thừa nhận rằng, là thế hệ xe tăng đầu tiên sau Thế chiến II, tính năng kỹ chiến thuật của xe tăng T-54 và T-55 do Liên Xô sản xuất đã bị tụt hậu nghiêm trọng. Đến đầu thập niên 1980, nó không còn khả năng cạnh tranh với xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại của phương Tây.
Mặc dù số xe tăng trên đã lạc hậu, nhưng chúng vẫn có giá trị sử dụng đáng kể trên chiến trường, nếu xét thấy số xe tăng chiến đấu chủ lực của Quân đội Ukraine ngày nay rất khan hiếm và số lượng xe tăng hiện đại do phương Tây viện trợ cho Ukraine rất hạn chế.
Những chiếc T-54 và T-55 tân trang này vẫn có thể được sử dụng hiệu quả trên chiến trường, kể cả chỉ với pháo 100mm, cũng đủ sức phá hủy công sự của Quân đội Ukraine, hay tiêu diệt các loại xe chiến đấu bộ binh hạng nhẹ do NATO viện trợ một cách hiệu quả.
Đối với Quân đội Ukraine, những chiếc xe tăng T-54, T-55 này dù lạc hậu đến đâu, cũng không thể đối phó bằng súng bộ binh; mà Quân đội Ukraine chỉ có thể sử dụng các loại súng phóng lựu hiện đại hoặc tên lửa chống tăng và tên lửa lảng vảng.
Xét theo giá vũ khí hiện nay, giá của một quả tên lửa chống tăng "Javelin" do Mỹ sản xuất có thể còn đắt hơn cả xe tăng T-54 mà Quân đội Nga từng sử dụng trở lại, nhưng phía Ukraine không còn lựa chọn nào khác.
Tiến Minh