Nga duy trì các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực

Theo Tass hôm nay (7-6), Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Maxim Reshetnikov cho biết, việc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm lương thực nhằm khuyến khích sự đầu tư của các nhà sản xuất trong nước.

Ảnh minh họa: Tass

Ảnh minh họa: Tass

Bộ trưởng Maxim Reshetnikov cũng tuyên bố, các hạn chế hiện tại đối với hoạt động xuất khẩu những sản phẩm lương thực chủ chốt sẽ tiếp tục được duy trì nhằm mục đích bảo vệ thị trường nội địa khỏi tình trạng tăng giá. Ngoài ra, việc hạn chế xuất khẩu còn nhằm khuyến khích các nhà sản xuất trong nước đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất.

Trước đó, chính phủ Nga đã áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với xuất khẩu kiều mạch trong thời gian từ ngày 5-6 đến ngày 31-8 để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Chính phủ Nga cũng đang xem xét các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu lương thực và bảo vệ thị trường nội địa khỏi tình trạng giá cả tăng cao.

Cũng theo Bộ trưởng Maxim Reshetnikov, Nga, một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, có thể mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, bao gồm hạn chế xuất khẩu trực tiếp và "thuế xuất khẩu linh hoạt" đối với một số mặt hàng nếu giá tiếp tục tăng. Đối với thị trường nội địa, Nga đã hủy bỏ hầu hết các hạn chế về giá nhưng sẽ tiếp tục trợ cấp cho các nhà sản xuất một số sản phẩm lương thực chủ chốt như bánh mì và bột mì.

Theo Financial Times, chỉ số giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ vào tháng 5 vừa qua, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lương thực là một vấn đề quan trọng đối với Điện Kremlin, trong bối cảnh khoảng 20 triệu người dân Nga sống dưới mức nghèo.

Hồi tháng 12-2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu áp đặt biện pháp kiểm soát giá tạm thời đối với các sản phẩm lương thực chủ chốt như dầu hướng dương và mì ống. Một hạn ngạch xuất khẩu lúa mì đã được công bố vào đầu năm 2021 với thuế xuất khẩu được bổ sung trong tháng 6 này. Nga tuyên bố, các động thái này là cần thiết để bù đắp cho tình trạng giảm thu nhập trong nhiều năm khiến nhiều người dân không đủ khả năng tiếp cận các mặt hàng thiết yếu.

Nga chỉ bắt đầu xuất khẩu các loại lương thực chủ chốt như lúa mì sau năm 2014, thời điểm quốc gia này cấm nhập khẩu hầu hết lương thực từ phương Tây nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu. Theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng hóa nông nghiệp như lúa mì chiếm gần 8% trong tổng số 419 tỷ USD xuất khẩu của Nga trong năm 2019.

Thương Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1001900/nga-duy-tri-cac-bien-phap-han-che-xuat-khau-luong-thuc