Nga giảm nguồn cung khí đốt đẩy Hà Lan, Đức, Áo trở lại 'thời kỳ than đá'

Hà Lan cho biết sẽ quay trở lại sử dụng điện than giữa khủng hoảng năng lượng do chiến sự tại Ukraine, nối tiếp các động thái tương tự của Đức và Áo một ngày trước đó.

Hãng AFP đưa tin Hà Lan ngày 20-6 cho biết sẽ quay trở lại sử dụng điện than giữa khủng hoảng năng lượng do chiến sự tại Ukraine, nối tiếp các động thái tương tự của Đức và Áo một ngày trước đó.

Hà Lan cho biết sẽ dỡ bỏ tất cả hạn chế đối với các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, vốn trước đây chỉ giới hạn ở hơn một phần ba sản lượng sản xuất.

Hà Lan quay trở lại sử dụng điện than do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Ảnh: AFP

Hà Lan quay trở lại sử dụng điện than do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Ảnh: AFP

"Nội các đã quyết định dỡ bỏ ngay hạn chế sản xuất đối với các nhà máy nhiệt điện than từ năm 2002 đến năm 2024" - Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan, ông Rob Jetten, trao đổi với báo giới.

Ông Jetten cho biết Hà Lan đã "chuẩn bị quyết định này với các bên tại châu Âu trong vài ngày qua".

Hôm 19-6, Đức và Áo đã đưa ra thông báo tương tự trong bối cảnh Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho EU.

Tuy nhiên, Berlin cho biết vẫn đặt mục tiêu đóng cửa các nhà máy điện than vào năm 2030, do lượng khí thải CO2 ngày càng tăng.

Theo AFP, chiến sự tại Ukraine đã khiến giá năng lượng toàn cầu tăng vọt, cũng như nguy cơ thiếu hụt năng lượng gia tăng nếu nguồn cung bị cắt.

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã ngừng nguồn cung khí đốt cho một số quốc gia châu Âu, gồm Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan.

Tuy ít phụ thuộc hơn vào nguồn cung khí đốt từ Nga, song Hà Lan vẫn lo ngại. Moscow hiện cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong khi đối với Hà Lan là 15%.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng hiện tại không có tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia bị Nga siết chặt hơn. Điều đó khiến chúng tôi lo lắng" - Bộ trưởng Jetten cho biết.

Chính phủ Hà Lan cũng đang đưa ra "lời kêu gọi khẩn cấp" đối với các công ty và doanh nghiệp về việc tiết kiệm năng lượng càng nhiều càng tốt trước mùa đông.

Việc Đức phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga đã khiến nước này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh Moscow đang tìm kiếm biện pháp đối phó phương Tây.

Theo AFP, quyết định khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than của Đức hôm 19-6 được đưa ra sau khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga hồi tuần trước đã giảm bớt năng suất dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream, một liên kết quan trọng dưới biển mang khí đốt trực tiếp đến Đức.

Gazprom đổ lỗi cho các vấn đề bảo trì là nguyên nhân dẫn đến việc cắt giảm, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu gọi động thái này là một chiến thuật chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong khi đó, chính phủ Áo hôm 19-6 có kế hoạch chuyển đổi một nhà máy nhiệt điện khí dự trữ để có thể sản xuất điện than trong bối cảnh Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho EU.

"Chính phủ liên bang và tập đoàn năng lượng Verbund đã đồng ý chuyển đổi nhà máy nhiệt điện khí ở quận Mellach, bang Styria, hiện đang ngừng hoạt động, để trong trường hợp khẩn cấp, nó có thể một lần nữa sản xuất điện từ than đá” - văn phòng của Thủ tướng Áo, ông Karl Nehammer, cho hay.

HÒA ĐẶNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nga-giam-nguon-cung-khi-dot-day-ha-lan-duc-ao-tro-lai-thoi-ky-than-da-post685503.html