Nga giữ nguyên lãi suất ở mức 21% trong bối cảnh lạm phát

Ngân hàng Trung ương Nga vừa quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 21%, bất chấp áp lực tăng lãi suất tiếp theo trong bối cảnh lạm phát gia tăng mạnh mẽ.

Động thái này diễn ra sau khi Nga nâng lãi suất vào tháng 10, đưa mức lãi suất lên mức cao kỷ lục. Quyết định giữ nguyên lãi suất thể hiện sự thận trọng của Nga trước tình hình kinh tế đang thay đổi nhanh chóng do các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt từ phương Tây sau xung đột tại Ukraine năm 2022.

 Ngân hàng trung ương Nga giữ nguyên lãi suất chủ chốt. Ảnh: Shamil Zhumatov

Ngân hàng trung ương Nga giữ nguyên lãi suất chủ chốt. Ảnh: Shamil Zhumatov

Các biện pháp này bao gồm hạn chế thương mại, đóng băng tài sản, và cản trở Nga tiếp cận các hệ thống tài chính quốc tế, dẫn đến giảm luồng nhập khẩu và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Chi tiêu quân sự leo thang để duy trì chiến dịch tại Ukraine đã làm tăng đáng kể chi tiêu chính phủ, góp phần đẩy lạm phát lên cao. Nỗ lực thay thế các mặt hàng nhập khẩu từ phương Tây bằng hàng nội địa hoặc nguồn cung từ các nước khác chỉ đạt được một phần thành công, gây ra tình trạng khan hiếm và khiến giá cả tăng mạnh.

Quyết định bất ngờ so với kỳ vọng thị trường

Quyết định giữ nguyên lãi suất của Nga đã gây bất ngờ khi trái ngược với kỳ vọng của thị trường. Một cuộc thăm dò ý kiến do Reuters thực hiện trong tuần trước dự đoán ngân hàng trung ương sẽ tăng thêm 200 điểm cơ bản, đưa lãi suất lên 23%.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong một cuộc họp báo trên truyền hình hôm thứ Năm, đã thừa nhận những áp lực kinh tế. Ông kêu gọi các quyết định "cân bằng", đồng thời nhấn mạnh rằng nền kinh tế Nga vẫn tăng trưởng với tốc độ gần 4% trong năm nay. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng lạm phát vẫn là "một dấu hiệu đáng lo ngại".

Trong tháng 11, đồng rúp Nga mất giá tới 15% so với đồng USD sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính mới, gây gián đoạn trong các khoản thanh toán cho xuất khẩu năng lượng của Nga và dẫn đến tình trạng thiếu hụt ngoại tệ trong thị trường nội địa.

Tỷ lệ lạm phát đã tăng lên 8,9% trong tháng trước, và dự kiến sẽ chạm mốc 10% vào cuối năm nay, theo số liệu từ Bộ Kinh tế Nga. Giá thực phẩm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với chi phí rau củ tăng 24% trong năm qua.

Áp lực từ chi tiêu quân sự và thị trường lao động

Chi tiêu quân sự cao, được tài trợ chủ yếu từ xuất khẩu dầu mỏ sang các đối tác như Trung Quốc và Ấn Độ sau lệnh cấm vận từ phương Tây, đã khiến nền kinh tế Nga rơi vào trạng thái "quá nhiệt". Sự thiếu hụt lao động đang đẩy mức lương tăng cao, làm gia tăng chi tiêu tiêu dùng và gây áp lực lên lạm phát.

Tại cuộc họp hồi tháng 10, Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất thêm 200 điểm cơ bản, động thái này đã vấp phải sự phản đối từ các nhân vật kinh tế quan trọng. Ông Sergei Chemezov, đứng đầu tập đoàn Rostec, và ông Alexei Mordashov, một trong những tỷ phú ngành thép, đã công khai chỉ trích các chính sách này.

Các phản ứng từ chuyên gia

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, nhấn mạnh rằng tình trạng giá cả tăng trên hầu hết các mặt hàng và dịch vụ cho thấy nhu cầu đang vượt quá khả năng mở rộng của nền kinh tế. Bà dự kiến sẽ tổ chức họp báo tại Moscow vào 3 giờ chiều để giải thích thêm về quyết định này.

Chuyên gia Oleg Kuzmin từ Renaissance Capital nhận định: "Tốc độ tăng giá đã gia tăng, và đồng rúp đã dịch chuyển sang một mức cân bằng yếu hơn, trên ngưỡng 100 rúp đổi một USD. Điều này buộc ngân hàng trung ương không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nâng lãi suất".

Cuộc họp tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Nga, dự kiến diễn ra vào tháng 2 năm 2025, sẽ là dịp để đánh giá liệu có cần điều chỉnh lãi suất thêm hay không. Các nhà phân tích dự đoán rằng mức lãi suất cao có thể sẽ được duy trì đến năm 2025, khi Nga tiếp tục đối mặt với những thách thức của một nền kinh tế thời chiến dưới các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt.

Dũng Phan (Theo Newsweek)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-giu-nguyen-lai-suat-o-muc-21-trong-boi-canh-lam-phat-post326756.html