"Mô hình trình diễn kỹ thuật của một tổ hợp hàng không tầm xa đầy hứa hẹn PAK DA (hay còn được gọi bằng cái tên Poslanhik) sẽ sẵn sàng vào năm 2023, các kỹ sư đã và đang làm việc tích cực trên nó".
Thông tin trên đã được TASS đăng tải, sau khi tham khảo một nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp hàng không Nga. Do yêu cầu nghiêm ngặt, sẽ chỉ có một nguyên mẫu duy nhất ra đời vào năm 2023, nhưng tiến độ trên vẫn nhanh hơn dự kiến.
Thiết kế sơ bộ của PAK DA được phê duyệt vào tháng 12/2019, và ngay lập tức các chuyên gia của Tupolev đã bắt tay xây dựng tài liệu thiết kế. Vào mùa xuân năm 2020, xuất hiện thông tin biết họ đang chế tạo một mẫu thử nghiệm.
Tổ hợp hàng không tầm xa đầy hứa hẹn sẽ được trang bị hệ thống phòng thủ tiên tiến, nhờ sự hỗ trợ của khí tài tác chiến điện tử, máy bay sẽ được bảo vệ an toàn khỏi tên lửa đất đối không của đối phương.
PAK DA có thiết kế theo sơ đồ "cánh bay", các vật liệu sử dụng giúp giảm tín hiệu phản xạ radar, máy bay sẽ được trang bị tên lửa hành trình chiến lược và vũ khí siêu thanh, trong khi chiến thuật chính của PAK DA, theo các chuyên gia sẽ là dựa vào tên lửa tầm xa.
Không loại trừ khả năng sau khi ra mắt vào năm 2023 thì nguyên mẫu PAK DA sẽ cất cánh lần đầu trong năm 2025, và trước năm 2030, phương tiện tác chiến sẽ chính thức được Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga thông qua và đưa vào biên chế.
Mốc thời gian trên của Nga đang chậm hơn Mỹ và Trung Quốc từ 3 đến 5 năm, trong lúc đang chờ đợi, Moskva sẽ phải trông cậy vào việc hiện đại hóa các oanh tạc cơ đời cũ như Tu-160, Tu-22M3 hay Tu-95MS.
Trong lúc này, một vũ khí được cho là giữ vai trò chủ lực của oanh tạc cơ tương lai PAK DA cũng được hé lộ, đó sẽ là tên lửa hành trình siêu thanh phóng từ trên không.
Thông tin ban đầu cho biết, tên lửa này được đặt tên là Kh-95, rõ ràng loại đạn tấn công nói trên vẫn đang trong quá trình phát triển, mặc dù có dấu hiệu cho thấy các cuộc thử nghiệm sẽ diễn ra trong tương lai gần.
“Giám đốc Học viện Quân sự Bộ Tổng tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng Nga - Đại tướng Zarudnitsky đã nhắc tới tên lửa siêu thanh phóng từ trên không thế hệ mới trong bài viết đăng trên tạp chí 'Tư tưởng quân sự' số ra tháng 8, tên lửa này được gọi là Kh-95”, TASS cho biết.
Vì lý do bảo mật, không có thông tin chi tiết nào được cung cấp về vũ khí trên. Các chuyên gia lưu ý rằng chúng ta đang nói về một tên lửa hành trình chiến thuật dự kiến sẽ có tầm bắn hơn 1.000 km.
Với tầm bắn xa như vậy, rõ ràng việc xác định mục tiêu sẽ được thực hiện nhờ sự tham gia của các tổ hợp trinh sát mặt đất, trên không và vũ trụ, những hệ thống nói trên sẽ đảm bảo chỉ thị chính xác đối tượng cho đạn tấn công tới tiêu diệt.
Quân đội Nga hiện có một loại tên lửa siêu thanh phóng từ trên không là Kh-47M2 Kinzhal, nhưng nó được phân loại tên lửa đạn đạo hàng không do sửa đổi từ đạn 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M, quỹ đạo tấn công của "Dao găm" là leo cao - bổ nhào để đạt tầm bắn và tốc độ tối đa.
Trong khi đó, Kh-95 do được phân loại là tên lửa hành trình nên dự báo nó sẽ thực hiện đường bay phức tạp và linh doạt hơn rất nhiều, nhằm tránh bị các phương tiện trinh sát đối phương phát hiện từ xa để đưa ra biện pháp ngăn chặn.
Việt Dũng