Nga hoàn thành thử nghiệm các thành phần của tổ hợp tên lửa S-500 Prometheus

Đại diện Đơn vị thiết kế Các kỹ thuật đặc biệt thuộc Tập đoàn Almaz-Antey, Vladimir Dolbenkov cho biết, quá trình thử nghiệm các thành phần của tổ hợp phòng không-phòng thủ tên lửa S-500 Prometheus đã cơ bản hoàn tất.

Tổ hợp vũ khí tương lai này chỉ còn cần vượt qua bài thử nghiệm cấp quốc gia để được đưa vào trang bị chính thức.

“Các chuyên gia của Almaz-Antey đã chế tạo các thành phần riêng rẽ của tổ hợp tên lửa S-500, bao gồm bệ phóng, hệ thống định vị, hệ thống điều khiển, tên lửa đánh chặn và khung gầm vận chuyển đa năng... Chúng đã vượt qua các bài thử nghiệm theo các tiêu chí được Bộ Quốc phòng Nga đề ra”, ông Vladimir Dolbenkov cho biết.

Theo đại diện Tập đoàn Almaz-Antey, trong quá trình thử nghiệm, đáng chú ý nhất là việc đánh giá hiệu năng hoạt động của hệ thống radar mảng pha đa chức năng của S-500. Thiết bị này được coi là trái tim của dòng vũ khí phòng không mới. Việc hoàn thiện radar của S-500 đã được tiến hành từ tháng 4-2019 tại Trung tâm huấn luyện thực hành không quân số 185, vùng Astrakhan.

 Cơ cấu bệ phóng với đạn tên lửa đánh chặn hạng nặng của S-500.

Cơ cấu bệ phóng với đạn tên lửa đánh chặn hạng nặng của S-500.

Quân đội Nga dự kiến sẽ đưa vào trang bị các tổ hợp S-500 bắt đầu từ năm 2025, nhưng với tiến độ phát triển vượt dự kiến của Almaz-Antey, việc đưa vào trang bị sớm dòng vũ khí phòng không-phòng thủ tên lửa hiện đại này có thể diễn ra sớm hơn. Cơ cấu 1 tổ hợp S-500 tiêu chuẩn gồm: Trung tâm điều khiển phức hợp, 2 cụm radar đa chức năng và tối đa 12 bệ phóng. Toàn bộ tổ hợp được đặt trên khung gầm xe vận tải dã chiến hạng nặng, có khả năng cơ động cao.

Tổ hợp tên lửa 55R6M Triumfator-M hay S-500 Prometheus của Nga vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Theo các thông tin được công bố, tổ hợp tên lửa này có khả năng tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 600km, có thể theo dõi và tấn công cùng lúc 10 mục tiêu đạn đạo di chuyển ở tốc độ lên tới 7km/giây (tương đương 20 lần vận tốc âm thanh). Điểm đặc biệt của S-500 là khả năng ngăn chặn các mục tiêu ở độ cao tới 100km, khu vực rìa ngoài của tầng khí quyển Trái Đất. Với trần bắn trên, S-500 có đủ khả năng ngăn chặn các vệ tinh quân sự tầm thấp của đối phương, cũng như các khối đầu đạn lắp trên tên lửa đạn đạo của đối phương trước khi chúng bước vào giai đoạn hồi quyển và phân tách thành các đầu đạn con.

 Cơ sở sản xuất đạn tên lửa đánh chặn dành cho S-500.

Cơ sở sản xuất đạn tên lửa đánh chặn dành cho S-500.

 Hình ảnh được cho là hệ thống radar của S-500 trong quá trình thử nghiệm.

Hình ảnh được cho là hệ thống radar của S-500 trong quá trình thử nghiệm.

Để đáp ứng được khả năng bắn hạ các mục tiêu ở độ cao lớn, S-500 được trang bị đạn tên lửa đánh chặn tầm siêu xa mới 40Н6 với trần bắn tối đa từ 200 tới 250km. Do trần bắn lớn, phương thức dẫn đường dành cho đạn tên lửa 40Н6 hoạt động theo nguyên tắc dẫn đường bán chủ động có hiệu chỉnh căn cứ vào tín hiệu radar phản hồi từ mục tiêu. Khi không còn kết nối với hệ thống radar dẫn đường ở mặt đất, đạn tên lửa sẽ bật hệ thống tự dẫn chủ động tìm kiếm và khóa mục tiêu trong vùng giám sát định trước.

So với các dòng tên lửa phòng không của phương Tây, chức năng phòng không và phòng thủ tên lửa, đặc biệt là ở tầng ngoại vi của khí quyển Trái Đất thường được tách riêng cho các tổ hợp vũ khí riêng biệt, thì S-500 hợp nhất 2 chức năng này vào trong một tổ hợp vũ khí duy nhất.

Trong biên chế hệ thống phòng không-vũ trụ Nga, S-500 đóng vai trò như lớp phòng thủ thượng tầng với chức năng phòng thủ tên lửa và chống lại các phương tiện bay siêu vượt âm thế hệ mới. S-500 sẽ phối hợp với các tổ hợp S-400 Triumph và S-350 Vityaz, cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa A-235 Nudol tạo ra lưới phòng thủ đa lớp tương lai của Quân đội Nga.

TUẤN SƠN (theo RIAN)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/nga-hoan-thanh-thu-nghiem-cac-thanh-phan-cua-to-hop-ten-lua-s-500-prometheus-613504