Căn cứ tuyệt mật Object 825 chính là nơi cất giữ các tàu ngầm và vũ khí hạt nhân của Liên Xô, nó được tạo ra tại khu vực Balaklava thuộc Bán đảo Crimea trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Việc thiết lập căn cứ Object 825 do ban lãnh đạo Liên Xô khởi xướng trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ, nó được xây dựng vào năm 1961 theo lệnh của Joseph Stalin tại Vịnh Balaklava, ngay bên trong núi Tavros. Điểm độc đáo là có thể cất giấu một đội tàu ngầm và vũ khí hạt nhân ở đây.
Boongke được bao quanh bởi 3 mét hầm bê tông. Các tảng đá trên đỉnh cho phép nó chịu được tác động của vũ khí hạt nhân có sức công phá lên tới 100 kT( tương đương 100 nghìn tấn thuốc nổ TNT.
Để so sánh, quả bom nguyên tử được thả năm 1945 xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản chỉ đạt tới con số 20 kT. Do đó nếu Liên Xô và Mỹ bắt đầu chiến tranh hạt nhân với nhau, thì "người khổng lồ Crimea ẩn mình trong đá" sẽ là một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới.
Ban đầu, mục đích chính của "Object 825" là cất giữ và bảo dưỡng các tàu ngầm diesel-điện (DEPL) thuộc Dự án 613 và 633. Tổ hợp bí mật không chỉ bảo vệ tàu ngầm, mà còn sửa chữa chúng. Sau đó, các tàu ngầm nói trên đã được thay thế bằng những loại hiện đại hơn.
Chuyên gia quân sự, Thuyền trưởng cấp 1 (Đại tá hải quân) đã nghĩ hưu, ông Vasily Dandykin cho biết: “Căn cứ được thiết kế để làm nơi trú ẩn, sửa chữa và bảo dưỡng tàu ngầm. Để ngụy trang, các tàu ngầm chỉ vào vịnh vào ban đêm, khi đó điện hoàn toàn bị tắt ở Balaklava".
"Con kênh ngầm dài 602 mét có thể chứa 7 tàu ngầm diesel-điện cỡ vừa hoặc 9 tàu ngầm nhỏ. Ngoài ra, còn có một kho chứa ngư lôi và đầu đạn hạt nhân”, chuyên gia quân sự cho biết.
Kênh ngầm tại Object 825 có hai lối ra. Một lối dẫn đến vịnh, qua đó các tàu ngầm diesel-điện vào bên trong, và lối còn lại đi ra biển khơi - từ đây các tàu ngầm tiếp tục hoạt động huấn luyện và chiến đấu.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, hầm trú ẩn dưới lòng đất có thể đảm bảo an toàn cho khoảng 3.000 người. Không có nhiều thực phẩm và điện tại đây, nhưng cũng không ít - một số lượng người như vậy có thể sống ở đây trong khoảng 30 ngày.
Các hành lang trong tổ hợp quân sự bí mật được xây dựng hơi cong thay vì thẳng, điều này có thể làm giảm sóng nổ một cách hiệu quả. Bên cạnh đó là các cổng chống sức nổ của hạt nhân mạnh mẽ.
Ngoài ra còn có một bộ phận bí mật, khép kín hơn trong boongke, thậm chí nó còn có một cái tên riêng là Object 820. Không phải nhân viên nào cũng biết về nơi cất giữ kho vũ khí hạt nhân khổng lồ.
“Sau đó họ đi đến kết luận rằng sẽ không có chiến tranh hạt nhân và không có ích gì khi giữ lại dự án. Tuy nhiên căn cứ bí mật vẫn còn. Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine đã thiết lập một bảo tàng về Chiến tranh Lạnh ở đó, hay còn được gọi là cuộc chiến "giữa đế chế Liên Xô và khối NATO".
Sau sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991, Object 825 không được Ukraine quan tâm đúng mức. Năm 1993, họ ngừng canh gác phần lớn tổ hợp. Công trình kiến trúc hùng vĩ từng bị cướp phá - từ năm 1993 đến năm 2003, hầu hết thiết bị đã bị đánh cắp, bao gồm cả kim loại màu.
Khi Bán đảo Crimea về với Nga vào năm 2014, Moskva bắt đầu tái thiết quy mô lớn căn cứ bí mật. Trong vài năm, Object 825 đã thay đổi rất nhiều.
“Trong thời đại của chúng ta, Object 825 tồn tại như một viện bảo tàng, đã có nhiều cuộc triển lãm cho thấy và kể về cách mà thứ này được tạo ra và phát triển. Trên thực tế, có một bảo tàng về lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Biển Đen".
"Tất cả đều trong tình trạng khá tốt. Tôi đã đến bảo tàng này. Một sĩ quan tàu ngầm - Thuyền trưởng cấp 1 Yuri Tarariyev - người có cha phục vụ ở Balaklava đã nỗ lực rất nhiều cho việc khôi phục tình trạng căn cứ", chuyên gia Dandykin nói.
Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để xóa sổ căn cứ, ông Dandykin tin tưởng. Mức độ an toàn trong quá trình xây dựng nó vào thời Liên Xô khiến ngay cả bây giờ vẫn có thể tái cấu trúc Object 825 nhằm sử dụng cho mục đích ban đầu.
“Trong trường hợp xảy ra chiến tranh và cần phải hành động, căn cứ Object 825 hoàn toàn có thể được khôi phục để thực hiện chức năng như dự định”, ông Dandykin kết luận.
Việt Dũng