Nga 'hồi sinh' vũ khí tưởng như lạc hậu khiến Ukraine bất ngờ
Với pháo phòng không, BMP-2 và khí tài tác chiến, đoàn tàu bọc thép Yenisey của Nga đang đóng vai trò trụ cột hậu cần – trinh sát giữa chiến sự ác liệt ở Donbass.
Đoàn tàu bọc thép - từng là biểu tượng trong quá khứ - được Nga "hồi sinh" để phục vụ trực tiếp chiến trường Donbass, nơi giao tranh với Ukraine và các đồng minh phương Tây vẫn tiếp diễn khốc liệt.
Ngày 29/6, truyền thông Nga công bố loạt hình ảnh đoàn tàu bọc thép Yenisey thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, bao gồm vận chuyển hậu cần, trinh sát và sửa chữa tuyến đường sắt. Đây là những yếu tố sống còn cho lực lượng Nga tại mặt trận miền Đông Ukraine.
Được trang bị pháo phòng không, súng máy hạng nặng và thậm chí cả xe chiến đấu bộ binh BMP-2, Yenisey không chỉ đơn thuần là phương tiện vận tải. Đây là “pháo đài di động” đúng nghĩa, kết hợp giữa hậu cần, hỏa lực và tác chiến đặc biệt trên nền hạ tầng đường sắt thời Liên Xô. Việc Nga tái triển khai loại khí tài từng tưởng như lỗi thời này bị nghi ngờ về tính hiệu quả giữa thời đại của UAV và tên lửa chính xác cao.

Đoàn tàu bọc thép của Nga được bảo vệ bởi xe chiến đấu bộ binh BMP-2 IFV. (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga)
"Quân bài" chiến lược
Tàu hỏa bọc thép không phải khái niệm mới đối với Nga trong chiến tranh. Từ thời nội chiến 1917-1923 đến Thế chiến II, Liên Xô từng triển khai hàng chục đoàn tàu bọc thép trang bị pháo, súng máy, tháp pháo xe tăng để vận chuyển quân, bảo vệ hậu cần và hỗ trợ du kích hoạt động sau lưng địch. Dù bị lãng quên sau Chiến tranh Lạnh bởi sự trỗi dậy của không quân và khí tài cơ giới hiện đại, một số ít đoàn tàu vẫn được Nga duy trì phục vụ tuần tra biên giới và bảo vệ cơ sở hạ tầng chiến lược.
Điểm then chốt giúp tàu bọc thép "hồi sinh" là mạng lưới đường sắt Donbass - di sản thời Liên Xô, vẫn kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt của Nga. Trong bối cảnh đường bộ bị UAV và pháo binh Ukraine đe dọa liên tục, đường sắt trở thành huyết mạch hậu cần sống còn. Yenisey chính là “mũi đinh ba” trấn giữ tuyến vận chuyển ấy.
Yenisey là mẫu tàu bọc thép hiện đại hóa, được Nga cải tiến từ nền tảng cũ nhưng bổ sung nhiều khí tài chiến đấu. Đáng chú ý nhất là pháo phòng không ZU-23-2 nòng đôi cỡ 23mm có tốc độ bắn lên tới 2.000 phát/phút, đủ khả năng xé toạc UAV hoặc mục tiêu bay thấp như Bayraktar TB-2 nếu tiếp cận gần. Loại pháo này vốn được triển khai cố định hoặc trên xe cơ giới, nay được gắn trực tiếp lên toa tàu, giúp tăng cường khả năng cơ động và phản ứng nhanh.
Bên cạnh đó, Yenisey còn được trang bị nhiều súng máy hạng nặng Utyos 12,7mm - vũ khí hiệu quả để chống bộ binh và xe bọc thép hạng nhẹ tấn công tuyến đường. Đặc biệt, một chiếc BMP-2 - xe chiến đấu bộ binh huyền thoại của Nga, được đặt trên toa phẳng, tích hợp pháo tự động 30mm và tên lửa chống tăng, giúp tàu có khả năng đáp trả hỏa lực mạnh hơn nhiều so với các đoàn tàu hậu cần thông thường.
Cấu trúc của tàu được gia cố thép dày, có khả năng chống đạn nhỏ và mảnh văng pháo binh, nhưng vẫn dễ tổn thương trước tên lửa chống tăng hiện đại như Javelin hoặc UAV cảm tử. Các toa còn được tích hợp hệ thống chỉ huy, liên lạc và có thể mang vật tư như đạn dược, nhiên liệu, thiết bị sửa chữa. Một số nguồn cho rằng Yenisey có cảm biến nhiệt hoặc radar trinh sát tích hợp, nhưng chưa có xác nhận cụ thể.
So với chuẩn vận tải hiện đại như máy bay C-17 Globemaster III của Mỹ có thể đưa hàng hóa tới chiến trường chỉ trong vài giờ mà không phụ thuộc hạ tầng, thì Yenisey là lựa chọn có phần “cổ điển”. Tuy vậy, nó phù hợp với thực địa Donbass, nơi Nga đang kiểm soát các nút giao đường sắt quan trọng và hạ tầng Liên Xô cũ vẫn còn giá trị.

Đoàn tàu bọc thép của Nga được bảo vệ bởi pháo phòng không ZU-23-2 và xe chiến đấu bộ binh BMP-2 IFV. Ảnh Bộ Quốc phòng Nga
Vì sao Nga "hồi sinh" tàu bọc thép?
Dù là một nền tảng đa năng, Yenisey không phải không có điểm yếu chí tử. Việc di chuyển theo đường ray cố định khiến nó dễ bị trinh sát phát hiện và lên kế hoạch tấn công. Minh chứng rõ nhất là vụ Ukraine phá hủy một đoàn tàu chở nhiên liệu của Nga tại Zaporizhzhia vào tháng 6/2025, gây gián đoạn hậu cần hàng tuần.
Ngoài ra, trong điều kiện chiến trường Donbass hiện đại, nơi UAV cảm tử, tên lửa chính xác và đạn pháo dẫn đường hoạt động dày đặc, một đoàn tàu dù được bọc giáp vẫn là mục tiêu hấp dẫn. Với sự xuất hiện của đạn phá UAV cỡ 5.56mm và hệ thống phòng thủ hiện đại do Mỹ cung cấp, như M1152A1 Humvee mang tên lửa dẫn đường APKWS-II hay các tổ hợp Javelin, Ukraine có nhiều lựa chọn để vô hiệu hóa một đoàn tàu như Yenisey mà không cần đưa bộ binh áp sát.
Việc Nga triển khai Yenisey phản ánh rõ chiến lược tận dụng hạ tầng và khí tài thời Liên Xô trong bối cảnh bị cấm vận công nghệ và mất dần các loại xe bọc thép, máy bay hiện đại do tổn thất ở Ukraine. Trong khi NATO và Mỹ ưu tiên không vận, hậu cần linh hoạt và công nghệ cao, Nga chọn phương án truyền thống: làm chủ hạ tầng mặt đất, bảo vệ bằng hỏa lực mạnh và tập trung vận chuyển số lượng lớn.
Chiến thuật này không phải vô lý. Trong một chiến trường có địa hình bằng phẳng, nhiều nút đường sắt, ít rừng núi và đã có sẵn hạ tầng, tàu bọc thép như Yenisey có thể vừa duy trì chuỗi cung ứng, vừa trực tiếp phản ứng với sự cố như phá đường, phục kích hoặc UAV xâm nhập.
Tuy nhiên, tính hiệu quả dài hạn còn phụ thuộc vào khả năng Nga kiểm soát không phận, bảo vệ tuyến đường ray khỏi UAV, mìn đường sắt và hỏa lực tầm xa từ Ukraine. Nếu tuyến đường bị cắt hoặc vùng hoạt động không còn an toàn, “quái thú thép” Yenisey sẽ trở thành chiếc quan tài di động - mục tiêu di động cho UAV và pháo binh chính xác cao.