Tin thế giới 11/7: Mỹ cấp vũ khí cho Ukraine qua NATO, Trung Quốc đuổi tàu cá Nhật Bản ở vùng biển tranh chấp, Nga đóng Tổng lãnh sự quán Ba Lan
Anh - Pháp tăng cường phối hợp răn đe hạt nhân, tàu nghiên cứu Trung Quốc nghi do thám Ấn Độ, ảnh vệ tinh tiết lộ căn cứ Mỹ ở Qatar bị thiệt hại do Iran tấn công, Mỹ và Nga thảo luận 'ý tưởng mới' cho đàm phán hòa bình Ukraine…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Anh-Pháp nhất trí tăng quy mô một lực lượng quân sự lên gấp 5 lần, gắn chặt vận mệnh trong răn đe hạt nhân. (Nguồn: EPA)
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á-Thái Bình Dương
*Trung Quốc xua đuổi tàu cá Nhật Bản ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku: Người phát ngôn Hải cảnh Trung Quốc (CCG) Lưu Đức Quân ngày 11/7 cho biết 1 tàu cá Nhật Bản đã bị xua đuổi sau khi xâm nhập trái phép lãnh hải quanh đảo Xích Vĩ Tự (Taisho-jima theo cách gọi của Nhật Bản) - thuộc quần đảo Điếu Ngư mà Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Senkaku.
Ông Lưu Đức Quân cảnh báo: “CCG sẽ tiếp tục thực thi các hoạt động chấp pháp tại vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích trên biển của đất nước”. (THX)
*Kết quả cuộc gặp cấp Ngoại trưởng Mỹ - Trung là “tích cực”: Ngày 11/7, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ông đã có cuộc hội đàm "tích cực" với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 58 (AMM-58) diễn ra tại Malaysia. Ông cũng bày tỏ hy vọng về một cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước trong thời gian tới.
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Rubio và ông Vương Nghị kể từ khi Tổng thống Trump trở lại nắm quyền tháng 1/2025. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có nhiều căng thẳng liên quan đến thuế quan của Chính quyền Tổng thống Trump.(Reuters)
*Tổng thống Hàn Quốc hoàn tất đề cử Nội các: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 11/7 cho biết Tổng thống Lee Jae Myung đã hoàn tất việc đề cử toàn bộ 19 thành viên trong Nội các đầu tiên của mình, với việc bổ nhiệm hai vị trí quan trọng là Bộ trưởng Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Với kết quả này, Tổng thống Lee Jae Myung đã hoàn tất việc đề cử tất cả 19 thành viên trong Nội các đầu tiên của ông. Theo luật pháp Hàn Quốc, việc bổ nhiệm các bộ trưởng phải tuân theo phiên điều trần của Quốc hội nhưng không cần phải phê duyệt việc bổ nhiệm. (Yonhap)
*Tàu nghiên cứu Trung Quốc bị tình nghi do thám Ấn Độ: Công ty tình báo hàng hải Unseenlabs có trụ sở tại Pháp mới đây đã công bố báo cáo ghi nhận một tàu Trung Quốc đã và đang hoạt động suốt nhiều ngày qua ở Vịnh Bengal, gần vùng biển Ấn Độ và cố gắng “ẩn náu” bằng cách tắt Hệ thống nhận dạng tự động (AIS).
Trong cuộc khảo sát kéo dài 16 ngày tại Vịnh Bengal, Unseenlabs đã theo dõi 1.897 tàu thuyền, trong đó hầu hết đều phát tín hiệu AIS hợp lệ. Tuy nhiên, 9,6% không phát hiện hoạt động AIS, cho thấy có những nỗ lực nhằm che giấu vị trí. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về an ninh tại Ấn Độ trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc-Bangladesh đang được cải thiện. (Times of India)
Châu Âu
*Phần Lan rút khỏi Hiệp ước cấm sử dụng mìn sát thương: Ngày 10/7, Bộ Ngoại giao Phần Lan ra tuyên bố cho biết nước này đã thông báo với Liên hợp quốc (LHQ) về kế hoạch rút khỏi Hiệp ước Ottawa cấm sử dụng mìn sát thương.
Theo tuyên bố, việc Phần Lan rút khỏi hiệp ước trên sẽ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ khi gửi thông báo cho LHQ, đồng nghĩa với việc rơi vào tháng 1 năm sau.
Như vậy, hiện đã có 5 nước gồm Lithuania, Latvia, Estonia, Phần Lan và Ba Lan phê chuẩn việc rút khỏi Hiệp ước cấm sử dụng mìn sát thương, với lý do lo ngại gia tăng các nguy cơ quân sự. Cả 5 nước này đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó đầu tháng này, Lithuania và Phần Lan thông báo sẽ khởi động chương trình sản xuất mìn sát thương ở trong nước kể từ năm sau. (AFP)
*Anh - Pháp tăng cường phối hợp răn đe hạt nhân: Ngày 10/7, Anh và Pháp đã nhất trí tăng cường hợp tác trong vấn đề răn đe hạt nhân, đánh dấu một bước đi quan trọng để củng cố an ninh châu Âu trong bối cảnh địa chính trị diễn biến phức tạp.
Trong chuyến thăm London của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhà lãnh đạo này đã đồng ý phối hợp với Anh về mặt nguyên tắc khi có bất kỳ mối đe dọa cực đoan nào.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Pháp có 290 đầu đạn hạt nhân, một số được trang bị trên 4 tàu ngầm và một số được trang bị trên máy bay chiến đấu Rafale. Trong khi đó, SIPRI cho biết Anh có 225 đầu đạn hạt nhân. Hiện tại, lực lượng răn đe hạt nhân của Anh hoàn toàn dựa trên biển, được trang bị trên 4 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo. (AFP)
*Bulgaria chặn xe tải đông lạnh chở 16 người di cư: Ngày 10/7, Bộ Nội vụ Bulgaria thông báo lực lượng chức năng nước này đã phát hiện và bắt giữ một xe tải đông lạnh chở 16 người di cư bất hợp pháp tại thành phố Ruse, gần biên giới với Romania.
Chiếc xe có giấy tờ đăng ký tại Latvia nói trên đã bị một đơn vị tuần tra biên giới chặn lại ngay trước nửa đêm 9/7.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Nội vụ, bước đầu kiểm tra khoang đông lạnh, cảnh sát không phát hiện hàng hóa nào, nhưng hệ thống điều hòa vẫn đang hoạt động. Qua rà soát kỹ lưỡng hơn, lực lượng chức năng phát hiện một khoang bí mật được thiết kế ở phần trước của xe kéo đông lạnh, nơi giấu 16 người nước ngoài. (DW)
*Thủ tướng Đức Merz lần đầu thăm chính thức Anh: Chính phủ Đức ngày 11/7 thông báo Thủ tướng Friedrich Merz sẽ thăm London vào ngày 17/7. Đây là chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Merz tới Anh kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5.
Chuyến thăm của Thủ tướng Đức diễn ra ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Anh trong tuần này, chuyến công du đầu tiên của một nguyên thủ EU kể từ khi London rời khỏi khối. (DW)
*Nga đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Ba Lan tại Kaliningrad: Bộ Ngoại giao Nga ngày 11/7 thông báo sẽ đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Ba Lan tại Kaliningrad để trả đũa quyết định tương tự của Warsaw đối với Lãnh sự quán Nga tại Krakow.
Thông báo nêu rõ: “Phía Nga sẽ rút giấy phép hoạt động của Tổng Lãnh sự quán Ba Lan tại Kaliningrad kể từ ngày 29/8”. (Sputniknews)
Trung Đông-châu Phi
*Ảnh vệ tinh tiết lộ thiệt hại tại căn cứ Mỹ ở Qatar: Cuộc tấn công của Iran vào căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ tại Qatar hồi tháng trước có thể đã làm hư hại một mái vòm trắc địa chứa thiết bị liên lạc an toàn của Mỹ. Thông tin này được đưa ra dựa trên phân tích hình ảnh vệ tinh do hãng thông tấn AP công bố ngày 11/7.
Iran ngày 23/6 đã phóng tên lửa vào căn cứ Al Udeid tại Qatar nhằm trả đũa việc Mỹ không kích các cơ sở hạt nhân của Tehran cuối tuần trước đó. Quân đội Mỹ và Qatar chưa công bố mức độ thiệt hại tại căn cứ, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận vụ tấn công không gây thương vong và thiệt hại vật chất không đáng kể. (Arab News)
*Lebanon chưa bình thường hóa quan hệ với Israel: Tổng thống Lebanon Joseph Aoun ngày 11/7 khẳng định Beirut hiện chưa cân nhắc khả năng bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Tel Aviv, đồng thời nhấn mạnh trọng tâm hiện tại của Lebanon là duy trì hòa bình chứ không phải thiết lập quan hệ chính thức với Israel.
Về quan hệ Lebanon -Syria, Tổng thống Aoun nêu bật tầm quan trọng của việc thiết lập mối quan hệ tích cực với ban lãnh đạo mới của Damascus và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Ông lưu ý sự phối hợp liên tục giữa lực lượng an ninh Lebanon và Syria là cần thiết để kiểm soát biên giới và ngăn chặn nạn buôn lậu vũ khí, ma túy và buôn người. (Al Jazeera)
Châu Mỹ-Mỹ Latinh
*Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua NATO: Ngày 10/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nước này sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và ông sẽ đưa ra tuyên bố quan trọng về Nga vào đầu tuần tới.
Phát biểu với NBC News, ông Trump đề cập đến thỏa thuận mới giữa Mỹ, các đồng minh NATO và Ukraine về việc vận chuyển vũ khí từ Mỹ. Theo ông, Mỹ sẽ chuyển vũ khí cho NATO, sau đó NATO chuyển tiếp đến Ukraine và thanh toán 100% tiền các vũ khí này. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết sẽ đưa ra tuyên bố quan trọng về Nga vào ngày 14/7, nhưng không nêu chi tiết.
Trước đó, các nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Trump sẽ sử dụng quyền đặc biệt của tổng thống để viện trợ vũ khí trực tiếp cho Ukraine. Dù không tiết lộ chi tiết nhưng thông tin cho rằng gói viện trợ trị giá ước tính khoảng 300 triệu USD, có thể bao gồm tên lửa phòng thủ Patriot và vũ khí tấn công tầm trung. (Reuters)
*Panama thu giữ hơn 1 tấn ma túy: Các nhà chức trách Panama hôm 10/7 (giờ địa phương) cho biết lực lượng an ninh nước này vừa thu giữ hơn 1 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm ma túy được thực hiện trong 24 giờ qua, đồng thời bắt giữ 7 nghi phạm liên quan đến các hoạt động buôn bán chất cấm.
Thông cáo của Cơ quan công tố Panama cho biết đơn vị này đã phối hợp với Lực lượng Hải-Không quân quốc gia Panama (Senan) thực hiện chiến dịch truy quét trên, trong đó thu giữ lượng 848 kg trên vùng biển thuộc Quần đảo Las Perlas (Thái Bình Dương). Tại đây, lực lượng chức năng cũng tạm giữ hai tàu cao tốc và bắt giữ 6 nghi phạm.
Trước đó hôm 9/7, lực lượng an ninh Panama cũng đã thu giữ hơn 1,6 tấn ma túy được vận chuyển đến Nam Phi trong một chiến dịch truy quét tội phạm ma túy tại cảng biển nước này. (AFP)
*Mỹ và Nga thảo luận "ý tưởng mới" cho đàm phán hòa bình Ukraine: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Marco Rubio đã có cuộc hội đàm bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN ngày 10/7, trong bối cảnh giao tranh tại Ukraine leo thang và Mỹ bắt đầu nối lại viện trợ vũ khí cho Kiev.
Theo ông Rubio, cuộc gặp kéo dài 50 phút giữa hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến một “ý tưởng mới” do phía Nga đưa ra liên quan đến xung đột tại Ukraine, và ông sẽ trình khái niệm này lên Tổng thống Mỹ Donald Trump để xem xét. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đây chưa phải là một giải pháp hòa bình, mà chỉ là “một cánh cửa tiềm năng mở ra con đường phía trước”.
Phía Nga xác nhận hai bên đã có các cuộc trao đổi “thẳng thắn và thực chất”, không chỉ về Ukraine mà còn về Iran, Syria và các vấn đề toàn cầu khác. (TASS)
*Tổng thống D.Trump thông báo mức thuế 35% với hàng hóa Canada: Ngày 10/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mức thuế 35% sẽ được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, bắt đầu từ ngày 1/8.
Bên cạnh đó, theo CBS News, Tổng thống Mỹ cũng thông báo dự định áp mức thuế đồng loạt 15% hoặc 20% đối với phần lớn các đối tác thương mại, đồng thời cho biết Liên minh châu Âu (EU) và Canada có thể sẽ nhận thư thông báo thuế vào ngày 11/7.
Sau những động thái gần nhất của chính quyền Tổng thống Trump, giá Bitcoin tiếp tục tăng mạnh, chạm mức cao kỷ lục mới 113.734,64 USD vào ngày 11/7, nhờ lực mua từ các nhà đầu tư tổ chức và chính sách ủng hộ tiền kỹ thuật số của chính quyền Tổng thống Trump. (Reuters)