Nga huấn luyện phi công Belarus lái chiến đấu cơ có thể mang vũ khí lắp 'đầu đạn đặc biệt'
Nga sẽ huấn luyện các phi công Belarus vận hành những máy bay chiến đấu 'đã được tái trang bị để có thể mang theo vũ khí phóng từ trên không lắp đầu đạn đặc biệt'.
Theo hãng thông tấn chính thức BelTa của Belarus, trong chuyến thăm Belarus đầu tiên sau hơn ba năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí với người đồng cấp, Tổng thống Alexander Lukashenko, về một loạt vấn đề kinh tế và quân sự, bao gồm đào tạo phi công Belarus lái máy bay chiến đấu được trang vũ khí lắp đầu đạn đặc biệt.
Tổng thống Lukashenko cũng cảm ơn nhà lãnh đạo Nga vì đã cung cấp tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tổ hợp phòng không S-400 cho Belarus.
Trong cuộc gặp gỡ làm dấy lên những quan ngại từ Kiev, hai nhà lãnh đạo Nga và Belarus đã nhất trí việc Nga sẽ huấn luyện các phi công của Lực lượng Không quân Belarus vận hành những máy bay chiến đấu “đã được trang bị lại để mang theo vũ khí phóng từ trên không lắp đầu đạn đặc biệt". Thông tin này được Tổng thống Putin cung cấp cho các phóng viên ngày 19/12 sau cuộc gặp với ông Lukashenko ở Minsk - theo BelTa.
Hãng BelTa cũng dẫn lời Tổng thống Belarus cho biết khóa đào tạo đó đã được tiến hành.
Quyết định của Nga về đào tạo phi công Belarus vận hành máy bay mang theo vũ khí lắp "đầu đạn đặc biệt" tiếp nối tuyên bố của ông Putin hồi tháng 6 về khả năng nâng cấp máy bay Su-25 Frogfoots của Không quân Belarus để mang vũ khí hạt nhân.
Tổng thống nước chủ nhà Lukashenko đã bày tỏ cảm kích trước việc Moskva cung cấp các hệ thống Iskander và S-400. "Tôi cảm ơn ngài, Vladimir Vladimirovich [Putin] vì chúng ta đã tìm thấy sự hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau trong mọi vấn đề và vì chúng ta đã đưa ra các quyết định cần thiết. Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt không chỉ từ tôi mà cả từ quân đội vì ngài đã thực hiện lời hứa", BelTa dẫn lời ông Lukashenko. "Hôm nay chúng tôi đã đưa vào hoạt động tổ hợp [tên lửa phòng không] S-400 mà các bạn đã bàn giao cho Belarus. Và quan trọng nhất là tổ hợp Iskander, mà các bạn cũng đã bàn giao cho chúng tôi sau khi đã hứa nửa năm trước."
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc hình thành một “không gian phòng thủ chung và cung cấp an ninh, bao gồm hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO)".
BelTa cho biết: “Tổng thống Putin nhận xét rằng các kế hoạch quân sự chung đang được thực hiện trong khuôn khổ Nhà nước Liên minh Belarus - Nga và lực lượng đặc nhiệm quân sự khu vực đang hoạt động. Hiện tại các đơn vị Quân đội Belarus và Nga đang trải qua quá trình huấn luyện bay thử máy chiến đấu trên lãnh thổ Belarus. Một hệ thống phòng không chung đã được thiết lập và hoạt động. Theo tổng thống, các bên nhất trí tiếp tục cùng nhau thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh phù hợp, nhất trí ưu tiên quan tâm đến việc huấn luyện quân đội, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, nhất trí tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung thường xuyên và các chuyến hàng vũ khí qua lại".
Kênh Telegram của Bộ Quốc phòng Belarus cho biết thêm vài giờ trước cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, Thư ký Hội đồng An ninh Nhà nước Belarus Alexander Volfovich đã ra lệnh kiểm tra nhanh chóng khả năng sẵn sàng của quân đội và lên lịch huấn luyện chiến đấu.
Tuần trước, Tướng Valeriy Zaluzhny, Tư lệnh Quân đội Ukraine, đã cảnh báo về nguy cơ một cuộc tấn công mới của Nga từ ngả Belarus. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 18/12 cũng cho biết ông đã thảo luận về khả năng này với các quan chức của mình.
“Việc bảo vệ biên giới với cả Nga và Belarus là ưu tiên hàng đầu" - Tổng thống Zelensky cho biết trên kênh Telegram vào ngày 18/12 - “Chúng tôi đang chuẩn bị cho tất cả các kịch bản phòng thủ có thể xảy ra".
Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 19/12 đã bác bỏ những lo ngại cho rằng Nga và Belarus đang âm mưu một cuộc tấn công quân sự mới từ phía Belarus.
Ông Peskov khuyên Tướng Ukraine Zaluzhny nên "nghỉ ngơi" sau tuyên bố của ông rằng Moskva và Minsk đang chuẩn bị cho một chiến dịch chung - theo hãng tin RIA Novosti. Ông cũng gọi những suy đoán cho rằng Tổng thống Putin muốn ép Minsk tham gia vào cuộc chiến tổng lực ở Ukraine là "sự bịa đặt ngu ngốc và vô căn cứ".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19/12 cho biết họ sẽ chú ý đến bất kỳ hỗ trợ bổ sung nào mà Tổng thống Lukashenko cung cấp cho Nga và sẽ đáp trả "một cách thích hợp" nếu ông làm như vậy - theo Bloomberg.