Nga - Iran củng cố 'cuộc hôn nhân' đa lợi ích

Quan hệ Nga và Iran được ví như một cuộc 'hôn nhân lợi ích', trong đó mỗi bên cố gắng đạt được lợi ích của mình với sự giúp đỡ của bên kia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/11 có chuyến thăm cấp nhà nước tới Iran một ngày. Người đứng đầu nhà nước Nga có các cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống chủ nhà Hassan Rouhani và Lãnh tụ tối cao nước này Ali Khamenei trong đó nội dung bàn thảo là cuộc khủng hoảng Syria và hợp tác năng lượng. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh sự hợp tác giữa hai nước ngày càng chặt chẽ dù có những mục tiêu khác nhau trong vấn đề Syria.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)

Hợp tác tăng cường ảnh hưởng và bảo vệ chế độ của Tổng thống Assad

Từ lâu nay Iran luôn là đồng minh thân cận của Nga ở Trung Đông. Quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả trên mọi lĩnh vực trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Iran ký thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5 +1 và những bước tiến đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Tổng thống Putin mới đây đã nói rằng Nga coi Iran là người hàng xóm và một đối tác tin cậy, ổn định của Nga. Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng Nga được coi là người bạn, hàng xóm và đối tác chiến lược của Iran và Iran quyết tâm mở rộng quan hệ và hợp tác toàn diện với Nga.

Ngoài vấn đề hạt nhân trong thời gian qua, Nga và Iran đã hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Syria mà cụ thể là bảo vệ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, hợp tác chống khủng bố, cũng như hạn chế những ảnh hưởng của Mỹ ở Syria và khu vực Trung Đông.

Với sự hỗ trợ quân sự của Nga và Iran, lực lượng chính phủ Syria đã đạt được nhiều tiến bộ trên các mặt trận, đặc biệt là lấy lại quyền kiểm soát toàn bộ thành phố Aleppo, và cho tới này đã kiểm soát hơn 90% lãnh thổ Syria. Kết quả này đã làm cho sự cân bằng quyền lực của Tổng thống Assad trở nên vững chắc hơn, tăng ảnh hưởng của cả Nga và Iran ở Syria, đồng thời gây áp lực lên phía Mỹ.

Theo các nhà phân tích thì điều này cũng đồng nghĩa với việc liên minh chống khủng bố quốc tế do Mỹ đứng đầu ở Syria mà không được sự đồng ý của chính quyền Syria đã thất bại.

Người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Mỹ, tướng Joseph Dunford mới đây đã bày tỏ lo ngại về sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Iran ở Syria và ông mô tả những nỗ lực của Nga nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực Trung Đông. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ mối quan ngại về các hệ thống phòng không của Nga ở Syria.

Để cứu vãn ảnh hưởng ở khu vực trước các đồng minh ở Trung Đông, mới đây chính quyền Donald Trump tuyên bố không tiếp tục xác nhận kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA hay thỏa thuận hạt nhân với Iran. Động thái này là đòn cảnh báo với chính quyền Iran nhưng đồng thời cũng tác động tới mối quan hệ “có tính toán” giữa Iran và Nga trong vấn đề hạt nhân.

Đáp lại các động thái này, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm Iran với nhiều mục đích, trong đó có việc thống nhất quan điểm trong vấn đề Syria, nhất là về tương lai của nước này sau khi kiểm soát toàn bộ lãnh thổ và cuộc chiến chống khủng bố gần kết thúc.

Hợp tác chống khủng bố ở Syria và Iraq

Hợp tác giữa Nga và các đối tác ở Trung Đông trong đó có Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều vì lợi ích chiến lược của mỗi nước.

Vì an ninh và vài trò ảnh hưởng ở Trung Đông, Nga đã hợp tác với các đối tác trong khu vực trong cuộc chiến chống khủng bố và ngược lại các nước cần có Nga vì các thỏa thuận mua bán vũ khí và hợp với Nga để cân bằng ảnh hưởng ở khu vực và trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích khi đạt những thành công trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria và Iraq và cuộc chiến này đang vào giai đoạn cuối thì quan hệ giữa Nga và các đối tác ở Trung Đông như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lại bộc lộ những mục tiêu khác nhau trong ảnh hưởng ở Syria. Động lực lớn nhất của Nga nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad là về vấn đề an ninh và đối đầu với ảnh hưởng của phương Tây.

Tổng thống Putin đang tái thiết Nga như một cường quốc có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Còn đối với Tehran, người ta tin rằng chiến lược đối với Syria là một phần của chiến lược phát triển lớn nhất Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei nhằm đảm bảo sự thống trị của Iran ở cấp khu vực và thậm chí là vai trò ảnh hưởng ở Lebanon, Syria, Iraq và Yemen. Các nhà nghiên cứu khu vực ví von rằng quan hệ Nga và Iran như một cuộc “hôn nhân lợi ích”, trong đó mỗi bên cố gắng đạt được lợi ích của mình với sự giúp đỡ của bên kia.

Để đạt được mục tiêu chính hiện nay, cụ thể là, để cứu vãn chế độ Syria, hai nước đồng ý bỏ qua sự khác biệt trong cách tiếp cận của mình để giải quyết các vấn đề hiện nay. Điều này có nghĩa là các cuộc thảo thảo luận về vấn đề như (tương lai của Tổng thống Assad hoặc kế hoạch của Iran sử dụng lãnh thổ Syria để tiếp tục hỗ trợ cho Hezbollah ở Lebanon) sẽ được hoãn lại.

Để phát triển quan hệ với các cường quốc khác trong khu vực và khẳng định vai trò của mình trong các vấn đề ở Trung Đông,Nga sẽ hành động để không gây thiệt hại trong sự hợp tác với Iran trong vấn đề Syria.

Hợp tác về dầu mỏ

Hợp tác dầu mỏ là một trong những trọng tâm chính trong quan hệ Nga và Iran và là nội dung mà Tổng thống Nga Putin bàn thảo với các nhà lãnh đạo Iran trong chuyến thăm này.

Trong thời gian qua, hai bên đã ký nhiều thỏa thuận cho phép các công ty dầu mỏ của Nga khai thác các mỏ dầu lớn ở Iran. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết nước này đã đồng ý bán 100.000 thùng dầu thô sang Nga, trong đó một nửa giá trị của lượng dầu sẽ được thanh toán bằng tiền mặt và nửa còn lại sẽ theo hình thức kỹ thuật và dịch vụ kỹ thuật. Iran muốn tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác thương mại lâu dài với Nga nhằm bù đắp lại những tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo các nhà phân tích, trong khi các quốc gia phương Tây còn chần chừ chờ đợi phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump với vấn đề hạt nhân của Iran thì Nga đã trở thành khách hàng đầu tiên mua dầu của Iran kể từ khi lệnh trừng phạt với Tehran được gỡ bỏ một phần vào năm 2015.

Công ty Lukoil và Gazprom của Nga đã sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Iran với tổng trị giá đầu tư khoảng 150 tỷ USD. Khoản đầu tư này sẽ giúp Iran chiết xuất thêm hydrocarbon, từ đó củng cố thị phần trên toàn cầu./.

Ngọc Thạch/VOV-Cairo

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-iran-cung-co-cuoc-hon-nhan-da-loi-ich-690597.vov