Nga, Iran muốn hợp tác với Ấn Độ trong tham vọng 'thoát Âu'

Dưới sức ép của các lệnh trừng phạt, Nga và Iran đang nỗ lực xây dựng một hành lang vận tải mới nhằm tách rời khỏi châu Âu, đồng thời hy vọng Ấn Độ tham gia kế hoạch này.

Nga và Iran đang tiến hành xây dựng một hành lang vận tải xuyên lục địa mới nhằm tách rời khỏi châu Âu và "tránh” các lệnh trừng phạt của phương Tây lên hai nước này, đồng thời mong muốn hợp tác với Ấn Độ trong kế hoạch trên, theo tờ Asia Nikkei ngày 11-1.

Kế hoạch cũng nhằm đáp trả chiến lược “friendshoring” của Mỹ, một nỗ lực nhằm chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước đồng minh và quốc gia thân thiện.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: REUTERS

Tham vọng ‘thoát Âu’

Một quan chức cấp cao Iran cho biết kế hoạch xây dựng đang được tiến hành trên 3.300 km đường sắt trên khắp Iran, trong đó 560 km tuyến đường sắt mới dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 3 này. Sau khi hoàn thành, mạng lưới đường sắt của Iran sẽ được mở rộng 20%.

Trong khi đó, khoảng 6.000 km đường cao tốc cũng đang được xây dựng, trong đó 1.000 km sẽ hoàn thành vào tháng 3 này. Ngoài ra, một đường cao tốc bốn làn xe nối biển Caspian và Vịnh Ba Tư đã được đưa vào sử dụng vào năm ngoái.

Trước đó, hãng Bloomberg đưa tin Nga và Iran đã chi hàng tỉ USD để tăng tốc độ vận chuyển hàng hóa dọc theo các con sông và tuyến đường sắt nối với biển Caspian. Bà Maria Shagina - chuyên gia về trừng phạt và chính sách đối ngoại của Nga thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh) ước tính hai quốc gia trên đã đầu tư 25 tỉ USD vào hành lang thương mại mới, giúp tạo thuận lợi cho dòng hàng hóa mà phương Tây muốn ngăn chặn.

Mục tiêu của Nga và Iran đối với kế hoạch tham vọng trên là để bảo vệ các liên kết thương mại khỏi sự can thiệp của phương Tây và xây dựng những liên kết mới với các nền kinh tế khổng lồ và đang phát triển nhanh của châu Á.

Theo tờ Asia Nikkei, Iran đang tìm cách tận dụng lợi thế tiềm năng như một trung tâm vận chuyển giữa châu Á, Nga và châu Âu. Trong quá khứ, ba nước Ấn Độ, Nga và Iran đã ký một thỏa thuận vào năm 2002, trong đó đặt ra các kế hoạch cho Hành lang vận tải bắc-nam quốc tế (INSTC), sẽ kết nối Ấn Độ và Nga thông qua Iran và Azerbaijan, bỏ qua Kênh đào Suez. Tuyến đường này kéo dài từ rìa phía đông châu Âu đến Đại Tây Dương.

Đối với Moscow, hành lang trên sẽ cung cấp một tuyến đường xuất khẩu chính tới Nam Á mà không cần phải đi qua châu Âu, nơi đang tìm cách cô lập Nga về kinh tế sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hồi tháng 7 năm ngoái, trong chuyến thăm tới Iran, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Iran - ông Ebrahim Raisi đã nhất trí về sự cần thiết phải hoàn thành tuyến đường sắt Rasht-Astara ở miền bắc Iran, một đoạn của hành lang bắc-nam nói trên.

Hãng Bloomberg dẫn lời các nhà phân tích cho rằng dự án trên là một ví dụ về sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang nhanh chóng định hình lại các mạng lưới thương mại trong một nền kinh tế thế giới có vẻ như sẽ bị chia cắt thành các khối đối đầu.

Hành lang vận tải bắc-nam quốc tế (INSTC) là thể hiện bằng màu cam. Ảnh: Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Ấn Độ/AL JAZEERA

Hành lang vận tải bắc-nam quốc tế (INSTC) là thể hiện bằng màu cam. Ảnh: Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Ấn Độ/AL JAZEERA

Với tình cảnh chung đều là mục tiêu của các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga và Iran đang tăng cường hợp tác kinh tế với nhau. Vào tháng 9 năm ngoái, Bộ Dầu mỏ Iran thông báo nước này sẽ nhập khẩu 9 triệu mét khối/ngày khí đốt của Nga thông qua Azerbaijan. Công ty dầu mỏ quốc gia Iran và công ty năng lượng hàng đầu Nga Gazprom cũng ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng trị giá 40 tỉ USD hồi năm ngoái.

Mong muốn cùng hợp tác với Ấn Độ

Dù vậy, cả Iran và Nga đều mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác với Ấn Độ trong kế hoạch tham vọng trên. Vào tháng 11-2022, một nhà ngoại giao cấp cao của Iran đã đến thăm Ấn Độ để thảo luận về việc phát triển cảng Chabahar ở miền nam Iran, nơi sẽ kết nối New Delhi với phần còn lại của hành lang.

Cả Tehran và Moscow đều khẳng định tuyến đường vận tải trên sẽ mang lại lợi ích lớn cho New Delhi về mặt chính trị và kinh tế. Tờ Asia Nikkei chỉ ra hai lợi ích đó là, mở ra khả năng giao thương nhiều hơn với khu vực Trung Á giàu tài nguyên thông qua Iran và hỗ trợ mục tiêu của Ấn Độ trong việc thay thế sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Trung Quốc và cảng Gwadar của Pakistan mà New Delhi cật lực phản đối.

Cho đến nay, Ấn Độ vẫn giữ lập trường trung lập đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Nước này không đi theo các nước phương Tây lên án hay trừng phạt chiến dịch quân sự của Nga mặc dù Thủ tướng Narendra Modi đã từng khẳng định kỷ nguyên hiện nay không phải là kỷ nguyên của chiến tranh. Mặt khác, New Delhi cũng liên tục kêu gọi đối thoại để chấm dứt cuộc xung đột, thiết lập lại hòa bình ở Ukraine.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nga-iran-muon-hop-tac-voi-an-do-trong-tham-vong-thoat-au-post716324.html