Nga kêu gọi NATO làm điều này tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Litva
Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau lên kế hoạch tấn công nhà máy nằm trên lãnh thổ do Nga nắm giữ ở vùng Zaporizhzhia - gần chiến tuyến của cuộc xung đột.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 9/7 cho biết các nhà lãnh đạo của liên minh phòng thủ xuyên Đại Tây Dương NATO do Mỹ lãnh đạo nên thảo luận về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới của họ.
Các nhà lãnh đạo NATO sẽ gặp nhau tại thủ đô Vilnius của Litva vào ngày 11-12/7 để giải quyết một loạt chủ đề, từ sự chia rẽ giữa các thành viên về nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine và việc Thụy Điển gia nhập liên minh để tăng cường dự trữ đạn dược, cho đến việc xem xét các kế hoạch phòng thủ đầu tiên trong nhiều thập kỷ.
Cáo buộc Ukraine “gây thiệt hại có hệ thống” cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, bà Zakharova nói rằng Hội nghị Thượng đỉnh NATO nên dành chú ý hàng đầu cho điều này.
“Xét cho cùng, đại đa số các thành viên liên minh sẽ nằm trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp” (nếu có chuyện gì đó xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân này), bà Zakharova cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
Vilnius cách Zaporizhzhia – nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu khoảng 1.000 km.
Cả Moscow và Kiev đều cáo buộc lẫn nhau lên kế hoạch tấn công nhà máy điện hạt nhân – nằm trên lãnh thổ do Nga nắm giữ ở vùng Zaporizhzhia, gần chiến tuyến của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong nhiều ngày đã cảnh báo về mối đe dọa nghiêm trọng tại cơ sở này, gần đây nhất nói rằng lực lượng Nga đã gài mìn trên mái của một số lò phản ứng.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có trụ sở tại nhà máy cho biết họ vẫn chưa quan sát thấy bất kỳ dấu hiệu nào của mìn hoặc chất nổ tại nhà máy, nhưng họ cho biết họ cũng cần tiếp cận nhiều hơn để có thể nắm chắc tình hình.
Các nhà máy điện hạt nhân được thiết kế để chịu được nhiều rủi ro, nhưng trên thế giới chưa từng có nhà máy điện hạt nhân nào đang hoạt động bị cuốn vào một cuộc chiến hiện đại như Zaporizhzhia.
Do các cuộc đụng độ lặp đi lặp lại, lò phản ứng cuối cùng của Zaporizhzhia đã bị đóng cửa vào tháng 9 năm ngoái như một biện pháp phòng ngừa. Nhưng nguồn điện bên ngoài vẫn rất cần thiết để chạy các hệ thống làm mát quan trọng và an toàn khác.
Một thực tế quan trọng cần xem xét liên quan đến rủi ro của thảm họa nhà máy điện hạt nhân là “những thảm họa này sẽ không để ý tới biên giới chính trị, và do mức độ phóng xạ quy mô lớn bị ảnh hưởng bởi hướng gió lúc sự cố xảy ra, nên rất khó dự đoán bức xạ sẽ phát tán bao xa và đến đâu”, Tiến sĩ Irwin Redlener – một học giả người Mỹ và chuyên gia về thảm họa, cho biết.
“Một cuộc khủng hoảng lớn tại Zaporizhzhia sẽ là một thảm họa đối với châu Âu và đối với cả miền Tây nước Nga”, ông Redlener nói với Euronews hồi tháng 4.
“Không gì chúng ta có thể làm sau hậu quả của một thảm họa như vậy lại hiệu quả bằng việc ngăn chặn nó xảy ra ngay từ đầu”, vị chuyên gia kết luận.
Minh Đức (Theo Reuters, Euronews)