Nga khiến bom thông minh của Mỹ liêu xiêu ở Ukraine
Hệ thống gây nhiễu của Nga đang hoạt động hiệu quả đến mức Ukraine, cũng như Mỹ và các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác, không thể bảo đảm các loại bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) và những vũ khí thông minh khác sẽ bắn trúng mục tiêu.
Đó là kết luận trong phân tích của Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI). “Gây nhiễu không khiến JDAM ngừng hoạt động, nhưng ảnh hưởng đến độ chính xác”, nhà nghiên cứu Thomas Withington của RUSI viết trong kết luận.
Dù việc cập nhật tính năng chống nhiễu cho JDAM có thể giảm bớt ảnh hưởng, nhưng các hệ thống chiến tranh điện tử của Nga có thể chặn tín hiệu GPS từ vệ tinh.
Cảnh báo được đưa ra sau khi các tài liệu của Lầu Năm Góc rò rỉ hồi tháng 4 cho thấy những lo ngại về tình trạng các vũ khí dẫn đường của Mỹ bị giảm độ chính xác vì Nga gây nhiễu, ảnh hưởng đến JDAM và hệ thống pháo HIMARS.
Tác động lên JDAM nghiêm trọng hơn cả, vì đây là loại bom thông minh đơn giản và chi phí thấp. Bằng cách gắn vây và hệ thống dẫn đường GPS vào các loại bom “đần” giá rẻ thế hệ cũ, Ukraine có thể tạo ra những vũ khí dẫn đường tầm xa với chi phí thấp.
Những loại bom JDAM nâng cấp mà Ukraine tiếp nhận được nói là có tầm xa hơn 80km, giúp máy phóng vũ khí này giữ khoảng cách an toàn với hệ thống phòng không của Nga.
Bom gắn GPS ban đầu khiến Ukraine hy vọng sẽ bù đắp lại bất lợi của họ khi Nga chiếm ưu thế về lực lượng và vũ khí. Còn HIMARS đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch phản công hạn chế của Ukraine vào mùa hè năm ngoái, giúp Kiev tấn công các sở chỉ huy và hệ thống tiếp tế của Nga.
Tác dụng phụ
Việc Nga phát triển năng lực đối phó không phải điều đáng ngạc nhiên. Mọi loại vũ khí đều giảm hiệu quả khi đối phương tìm cách thích nghi. Quân đội Nga cũng tập trung nhiều nỗ lực để phát triển các hệ thống chiến tranh điện tử.
Đặc biệt, Withington nhấn mạnh đến R-330Zh Zhitel, một hệ thống gây nhiễu đặt trên xe tải chuyên để phá tín hiệu GPS và vệ tinh trong dải sóng 100 MHz - 2 GHz.
“Tín hiệu từ các vệ tinh GPS của Mỹ mà JDAM sử dụng thường được truyền trong dải sóng từ 1.164 GHz - 1.575 GHz, hoàn toàn nằm trong tầm hoạt động của R-330Zh”, Withington cho biết.
Worthington nói rằng ông đã xem các tài liệu chính thức cho biết, tầm bao phủ của R-330Zh là 30km, với tín hiệu nhiễu mạnh 10kW. “Cường độ như vậy mạnh hơn nhiều so với tín hiệu GPS từ không gian. Hơn nữa, thiết bị tiếp nhận GPS càng gần R-330Zh thì càng bị nhiễu”, Worthington cho biết.
Những nỗ lực của Nga nhằm phá tín hiệu GPS là một phần trong hoạt động cản trở cả tín hiệu radio và máy bay không người lái của Ukraine.
Các lực lượng Nga “hiện nay cứ mỗi 10km tiền tuyến lại đặt một hệ thống tác chiến điện tử lớn”, nghiên cứu gần đây của RUSI về các chiến thuật của Nga cho biết. Hệ thống gây nhiễu này góp phần khiến tỷ lệ thất bại của máy bay không người lái Ukraine có thể lên đến 10.000 chiếc mỗi tháng, RUSI ước tính.
Theo báo cáo của RUSI, lực lượng tác chiến điện tử của Nga cũng hoạt động hiệu quả trong chặn và giải mã tín hiệu radio của Ukraine. Trong một trường hợp, họ thu và giải mã được tín hiệu radio mã hóa từ quân đội Ukraine về một vụ cháy trong thời gian thực, giúp các chỉ huy Nga gửi “tín hiệu cảnh báo sớm” đến lực lượng của họ.
Tuy nhiên, chiến tranh điện tử của Nga cũng có hạn chế. Việc phát ra các chùm tín hiệu gây nhiễu sẽ làm lộ vị trí của thiết bị gây nhiễu, và có vẻ Ukraine đã tìm thấy và phá hủy một hệ thống như vậy của Nga.
Trớ trêu là việc chặn sóng bằng các chùm gây nhiễu mạnh cũng làm gián đoạn liên lạc radio và GPS của Nga.
“Hệ thống tín hiệu vệ tinh GLONASS của Nga truyền tín hiệu tương tự như GPS. Có bằng chứng cho thấy quân đội Nga gặp rắc rối với hệ thống của chính họ”, Withington viết.
Bị gây nhiễu không khiến JDAM hoàn toàn trở thành đồ bỏ đi. Chiến tranh điện tử giống như chơi cờ, trên đó mỗi bước đi đều dẫn đến phản công. Theo Withington, các kỹ sư Mỹ “có thể phải nghĩ lại về cách bảo vệ JDAM trong những cuộc chiến tương lai, dựa trên bài học từ cuộc xung đột hôm nay”.