Nga không đàm phán chuyển S-300 cho Syria
Phía Nga khẳng định lực lượng vũ trang Syria đã có đủ những vũ khí cần thiết
Ông Vladimir Kozhin, trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 11-5 nói với báo Izvestia của nước này rằng Moscow hiện không đàm phán với Syria về chuyển giao hệ thống phòng không S-300.
Syria đủ vũ khí
"Lực lượng vũ trang Syria đã có đủ những vũ khí cần thiết" - ông Kozhin nhấn mạnh.
Thông tin này nổi lên chỉ vài giờ sau khi Mỹ bổ sung một loạt các thực thể của Nga vào danh sách đen liên quan tới hoạt động cung cấp hỗ trợ cho chương trình vũ khí của Syria.
Hồi tháng trước, báo Kommersant dẫn lời các quan chức cấp cao của Nga nói rằng nước này sẽ sớm đưa S-300 tới Syria, đồng thời cảnh báo nếu Israel tấn công vào hệ thống tiên tiến này thì hậu quả sẽ cực kỳ thảm khốc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov khẳng định nước này không còn chịu rào cản trong việc cung cấp tên lửa phòng không S-300 cho Syria, nhất là sau cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Damascus rạng sáng 14-4.
Sau đó còn nổi lên những thông tin nói rằng màn khói được tạo ra tại căn cứ Tartus của Nga ở Syria được cho là để che mắt vệ tinh khi Moscow bàn giao tổ hợp S-300 cho Damascus. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định sẽ công khai thông tin nếu cung cấp tên lửa S-300 cho Syria.
Sự thay đổi thái độ của Nga diễn ra sau chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Israel Benjamin trong tuần này. Dường như nỗ lực vận động Nga không bán S-300 cho Syira của Tel Aviv đã có hiệu quả.
Israel mở mặt trận mới?
Trong khi đó, sự gia tăng của các vụ không kích chết người của Israel nhằm vào các mục tiêu mà nước này cáo buộc là của Iran bên trong đất nước Syria đang khiến sợ hãi dâng cao về một cuộc đối đầu lớn tại Trung Đông.
Trong khi cộng đồng quốc tế kêu gọi kiềm chế và bình tĩnh, giới chức Israel khẳng định vụ tấn công hôm 10-5 vào các mục tiêu Iran ở Syria không nhằm mở một mặt trận mới tại cuộc chiến Syria. Thế nhưng các nhà phân tích nói rằng điều này phụ thuộc nhiều vào phản ứng của Iran.
Trong vụ tấn công mới nhất này, Israel đã huy động 23 chiến đấu cơ và lực lượng tên lửa đất đối đất, phóng khoảng gần 70 quả tên lửa đánh vào 50 mục tiêu. Quân đội Israel nói rằng các chiến đấu cơ của họ nhằm vào các mục tiêu tình báo, hậu cần, kho chứa, phương tiện nhằm đáp trả vụ tấn công của 20 tên lửa đánh vào các mục tiêu của Israel trên cao nguyên Golan, mà Tel Aviv cáo buộc là do lực lượng đặc nhiệm chuyên hoạt động ở nước ngoài của Iran là Al Qods thực hiện.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman nói rằng cuộc tấn công của nước này đã nhằm vào gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng của Iran tại Syria và họ sẽ không ngần ngại tiến hành thêm các cuộc tấn công nữa.
Tuy nhiên, theo GS Yossi Mekelberg chuyên về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Regent ở London, ông không cho rằng Israel có ý định tiếp tục kéo dài chiến sự với Iran bởi điều đó có thể khiến đụng độ lan tràn sang các điểm khác, tạo thành một cuộc chiến ủy nhiệm. "Nếu làm vậy, Israel sẽ mạo hiểm một khi phía Iran cảm thấy gần như buộc phải trả đũa. Sẽ cực kỳ nguy hiểm khi kịch bản đó được kích hoạt, chúng ta không biết làm cách nào để chấm dứt nó" - vị chuyên gia cho hay.
Hình ảnh trên đài truyền hình Syria về cảnh tên lửa phòng không Syria đánh chặn. Nguồn: Washington Post