Nga: 'Không giới hạn thời gian triển khai hạt nhân tại Belarus'
Quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho biết thỏa thuận triển khai vũ khí hạt nhân của Moscow trên lãnh thổ Belarus không bao hàm khung thời gian, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ nên rút hết vũ khí hạt nhân về lãnh thổ nếu muốn yêu cầu Nga ra quyết định tương tự.
“Đối với khung thời gian cho sự hiện diện của vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus, các thỏa thuận của hai bên không bao hàm bất kỳ hạn chế nào về vấn đề này”, ông Alexey Polishchuk, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói với hãng tin TASS.
Ông cho biết, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, các điều kiện chính để Moscow xem xét thu hồi các vũ khí hạt nhân chiến lược có thể là việc Mỹ và các nước NATO cam kết “không phá hoại an ninh và chủ quyền của Nga và Belarus”.
"Tất nhiên, một quyết định như vậy của chúng tôi nên được thực hiện trước bằng việc Mỹ rút hoàn toàn tất cả vũ khí hạt nhân họ về lãnh thổ, cùng với việc loại bỏ cơ sở hạ tầng tương ứng ở châu Âu", ông Polishchuk tuyên bố.
Theo nhà ngoại giao này, việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus "phần lớn là hành động bắt buộc nhằm đáp trả chính sách hiếu chiến" của NATO.
Ông Polishchuk nhấn mạnh rằng các hành động của Moscow "không mâu thuẫn với các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của nước này, bao gồm các nghĩa vụ theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), vì quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân vẫn thuộc về Nga".
"Không giống như các đầu đạn của Mỹ ở các nước châu Âu, loại đạn đặc biệt của chúng tôi sẽ được đặt gần Nga, trên lãnh thổ của Nhà nước Liên minh, hình thành nên không gian phòng thủ duy nhất", nhà ngoại giao Nga nói.
Giới chức Mỹ và NATO chưa bình luận về tuyên bố của quan chức Nga.
Hồi cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo rằng Moscow sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này tại Belarus sớm nhất là vào đầu tháng 7, đồng thời chuyển giao cho Minsk hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander.
Đến cuối tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và người đồng cấp Belarus Viktor Khrenin đã ký thỏa thuận về việc cho phép triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moscow trên lãnh thổ Belarus.
Tuy nhiên, động thái này đã nhận phải nhiều chỉ trích từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nhà Trắng nhiều lần chỉ trích quyết định của Tổng thống Putin và cũng cảnh báo về việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine.
Giải thích nguyên nhân cho việc tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, Belarus cho biết Mỹ cũng triển khai các vũ khí tương tự ở các nước châu Âu trong nhiều thập kỷ qua, khiến nước này phải chịu nhiều áp lực.
Hôm 13/6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tiết lộ rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được triển khai thực tế trên lãnh thổ nước này "trong vài ngày tới", với một số vũ khí có sức mạnh gấp 3 lần so với những quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II.
Phản ứng với thông báo của Minsk, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 15/6 chỉ trích rằng: "Thông điệp về hạt nhân của Nga là liều lĩnh và nguy hiểm. Moscow phải biết rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân không mang đến chiến thắng và không bao giờ được diễn ra". Ông cũng tuyên bố khối sẽ "theo dõi chặt chẽ các động thái của Nga", nhưng không nhận thấy dấu hiệu Nga thay đổi tư thế hạt nhân.