Nga 'không hài lòng' khi Mỹ gửi kỳ hạm đến Biển Đen

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng việc 'trình diễn' lá cờ của Hải quân Mỹ tại Biển Đen không đóng góp vào sự ổn định toàn cầu.

Kỳ hạm USS Mount Whitney. Ảnh: Shutterstock / Fotodom/TASS

Kỳ hạm USS Mount Whitney. Ảnh: Shutterstock / Fotodom/TASS

Hạm đội 6 của Hoa Kỳ đã thông báo trên Twitter của mình vào hôm thứ Hai rằng kỳ hạm, tàu chỉ huy Mount Whitney của họ đang hướng đến Biển Đen để tham gia các hoạt động chung với các lực lượng NATO.

"Kỳ hạm (*) USS Mount Whitney của Hạm đội 6 đã bắt đầu quá cảnh theo hướng bắc tới Biển Đen để hoạt động cùng các đồng minh và đối tác NATO của chúng tôi trong khu vực", tuyên bố viết.

Trước đó, Hạm đội 6 đã báo cáo về việc Mỹ có kế hoạch cử một tàu chỉ huy cùng với các sĩ quan của Bộ chỉ huy Hạm đội và Lực lượng tấn công và hỗ trợ hải quân NATO vào Biển Đen. Ngày khởi hành vẫn chưa được xác định.

Về vấn đề này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 đã tuyên bố rằng việc "trình diễn" lá cờ của Hải quân Mỹ tại Biển Đen không góp phần vào sự ổn định toàn cầu.

Với thông tin kỳ hạm Mount Whitney đang hướng đến Biển Đen để tham gia các hoạt động chung với các lực lượng NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai cho biết, "một tàu chiến của Mỹ hiện đã tiến vào Biển Đen. Chúng ta có thể quan sát nó qua ống nhòm hoặc qua tầm nhìn của các hệ thống phòng thủ tương ứng".

Tổng thống Putin cho rằng, Nga cần cải thiện hơn nữa hệ thống phòng thủ trên không. Ảnh: PA

Tổng thống Putin cho rằng, Nga cần cải thiện hơn nữa hệ thống phòng thủ trên không. Ảnh: PA

Tổng thống nói trước khi mở đầu một loạt các cuộc họp truyền thống của ngành công nghiệp quốc phòng tại Sochi, hãng tin TASS cho biết. Theo ông Putin, Nga cần cải thiện hơn nữa hệ thống phòng thủ trên không. "Nhu cầu này bắt nguồn trực tiếp từ nỗ lực phát triển các loại vũ khí tấn công tiên tiến với đặc tính tốc độ cao của các quốc gia hàng đầu", nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

"Điều này cũng đòi hỏi bởi tình hình chính trị nói chung, đặc biệt, bởi cường độ ngày càng tăng của các chuyến bay của máy bay NATO gần Nga, sự xuất hiện của các tàu tên lửa dẫn đường của liên minh ở Baltic và Biển Đen", ông Putin chỉ ra.

Cuối tháng 9, các đơn vị thường trực của Nhóm các biện pháp đối phó của NATO (SNMCMG2) đã tiến vào Biển Đen lần thứ ba trong năm nay để tiến hành các hoạt động thường lệ và tiến hành một chuyến thăm cảng tới Batumi, Georgia.

SNMCMG2, bao gồm kỳ hạm ESPS Rayo của Tây Ban Nha, tàu ITS Viareggio của Italy và tàu TCG Edincik của Thổ Nhĩ Kỳ. Tàu ROS Lt. Lupu Dinescu của Romania và tàu BGS Shkval của Bulgaria tham gia nhóm sau khi họ tiến vào Biển Đen.

Việc triển khai SNMCMG2 Biển Đen lần thứ ba tạo thành một cơ hội quan trọng để nâng cao khả năng tương tác và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Việc triển khai bao gồm các chuyến thăm cảng Batumi, Georgia, tập trận với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Gruzia, thăm cảng Samsun, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo NATO, hoạt động tuần tra hàng hải tăng cường khả năng tương tác giữa các Đồng minh và Đối tác, đồng thời thể hiện cam kết của NATO đối với an ninh Biển Đen và năng lực duy trì tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế

Với ba quốc gia Đồng minh (Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ) và hai đối tác khu vực U(kraine và Georgia) giáp Biển Đen, sự hiện diện của các Nhóm Hải quân Thường trực trong khu vực là điều thường xuyên xảy ra. Trong khi ở Biển Đen, nhóm cũng sẽ tiến hành các cuộc tuần tra an ninh hàng hải ở các vùng biển quốc tế để nâng cao nhận thức về tình huống hàng hải của NATO giữa các Đồng minh và các đối tác trong khu vực.

Vào ngày 30/10, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Porter của Mỹ đã tiến vào Biển Đen để tham gia các hoạt động chung với lực lượng của liên minh.

(*) là một chiến hạm được dùng bởi chỉ huy trưởng của một nhóm tàu chiến hải quân. Nhóm tàu hải quân này có thể là một hạm đội, một hải đoàn...

Vĩnh Hưng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nga-khong-hai-long-khi-my-gui-ky-ham-den-bien-den-post419757.html