Ban lãnh đạo Ukraine cùng với NATO đang lo ngại trước việc Nga áp dụng chiến thuật mới, thay đổi hành động của mình ở Ukraine. cựu sĩ quan tình báo của Thủy quân Lục chiến Mỹ - ông Scott Ritter cho biết.
Ngay từ đầu cuộc xung đột Ukraine, các phương tiện truyền thông và quan chức phương Tây đã tuyên bố Nga không có khả năng thắng thế trong cuộc đối đầu với Kyiv, đồng thời tôn vinh Quân đội Ukraine với đủ mọi hình thức ca ngợi.
Nhưng theo vị sĩ quan tình báo kỳ cựu của Mỹ, nếu phương Tây thực sự nghĩ như vậy thì tại sao các quan chức NATO lại nói về điều đó một cách thiếu thuyết phục. Ông Scott Ritter đã nói về điều này trên kênh YouTube cá nhân.
"Tổng thư ký Jens Stoltenberg mới đây đã nói rằng một chiến thắng của Nga ở Ukraine sẽ là thất bại đối với NATO. Tại sao nhà lãnh đạo khối quân sự lớn nhất thế giới lại đưa ra phát ngôn lạ lùng như vậy"?
"Nếu Nga đang gặp bất lợi thì tại sao Tổng thư ký NATO lại nêu vấn đề trên? Điều này chỉ có thể giải thích là bởi Nga không thực sự thất thế”, chuyên gia phân tích Scott Ritter tin tưởng.
Chuyên gia này nhận định rằng sau vụ phá hoại cầu Crimea, Nga đã đột ngột thay đổi chiến thuật ở Ukraine. Thứ nhất, Đại tướng Sergey Surovikin được bổ nhiệm làm chỉ huy nhóm tác chiến liên hợp của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt.
Thứ hai, cách tiếp cận thông qua tiến hành một chiến dịch không kích đã được thay đổi. Đặc biệt, Quân đội Nga tập trung đánh phá các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, khiến 1/3 tổng số nhà máy điện ở nước này phải ngừng hoạt động.
Chiến thuật mới của Nga đã gây ra sự hoảng sợ không chỉ ở Kyiv, mà còn cả giới lãnh đạo NATO. Theo sĩ quan tình báo kỳ cựu của Mỹ, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tỏ ra khá nản lòng trước những gì đang xảy ra.
“Điều này khiến Tổng thống Zelensky và Tổng thư ký Jens Stoltenberg hoảng sợ. Tại sao nó lại xảy ra? Chỉ có thể giải thích là Nga không thua và NATO hiểu rất rõ điều này”, chuyên gia người Mỹ nói.
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có không ít nhận xét từ truyền thông phương Tây cho rằng những cuộc tấn công tên lửa như Nga vừa thực hiện chỉ cho thấy sự bế tắc của Moskva với thực tế chiến trường.
Đồng thời, Nga đã phải chi ra một số tiền cực lớn cho cuộc tấn công. Ví dụ, một tên lửa Kh-101 có giá tới 13 triệu USD, trong khi Kalibr là 6,5 triệu USD... tức là Moskva mất gần 1 tỷ USD cho trận oanh kích hôm 10/10/2022.
Với tần suất các vụ tập kích tên lửa vào Ukraine như những ngày qua, Nga đã tiêu tốn số tiền khổng lồ
Bạch Dương