Nga lấy lại quyền kiểm soát đồng RUB

Sự hiệu quả của các biện pháp kiểm soát đã giúp giá trị đồng RUB phục hồi. Hiện tỷ giá hối đoái cặp RUB/USD còn cách giai đoạn trước cuộc xung đột Nga - Ukraine 10%.

Theo dữ liệu từ Trading Economics, tỷ giá hối đoái cặp RUB/USD đang dần phục hồi về giai đoạn trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra.

Giá trị RUB tiếp tục mở rộng đà tăng trong hôm nay, hiện cặp này đang có tỷ lệ 88,25 RUB đổi 1 USD và chỉ thấp hơn khoảng 10% so với USD thời điểm trước ngày 24/2. Đáng chú ý, trong hai tuần chiến sự đầu tiên, tỷ giá hối đoái của RUB sụt giảm những 33% và chạm mốc 132 RUB đổi 1 USD.

Nhằm ổn định thị trường và hạn chế những tác động của lệnh trừng phạt từ phương Tây, Ngân hàng Trung ương Nga đã triển khai một loạt biện pháp như kiểm soát vốn để tránh chảy dòng tiền mặt ra nước ngoài.

Hôm 24/3, Nga tuyên bố xem xét kế hoạch giao dịch khí đốt tự nhiên bằng đồng RUB. Động thái này nhanh chóng tiếp thêm giá trị cho đồng RUB và hạ nhiệt tỷ giá cặp RUB/USD.

“Người mua khí đốt sẽ phải mua đồng tiền trước đó, vốn đã sụt giá tự do, để thanh toán”, Vinicius Romano, chuyên viên phân tích cấp cao của Rystad Energy, nhận định.

 Tỷ giá cặp RUB/USD còn cách giai đoạn nổ ra chiến tranh 10%. Ảnh: Trading Economics.

Tỷ giá cặp RUB/USD còn cách giai đoạn nổ ra chiến tranh 10%. Ảnh: Trading Economics.

Theo Brendan McKenna - chiến lược gia tiền tệ tại Wells Fargo - sự tăng trưởng của RUB gần đây là dấu hiệu cho thấy các biện pháp kiểm soát vốn đã phát huy tác dụng.

“Các biện pháp này được thiết kế để giữ USD trong nước, đồng thời hạn chế hoạt động chuyển RUB sang USD. Các chính sách kiểm soát vốn sẽ hỗ trợ đồng nội tệ và ổn định tiền tệ trước lực bán mạnh”, McKenna chia sẻ.

Bất chấp tình trạng giá dầu thô, thước đo sức mạnh của USD, cùng chứng khoán Nga sụt giảm, giá trị RUB vẫn tăng 0,86%.

RUB hiện là đơn vị tiền tệ có hiệu suất kém thứ 2 trong danh mục được Bloomberg theo dõi.

Simon Harvey - người đứng đầu bộ phận phân tích ngoại hối tại Monex - cho biết đà tăng lần này có thể tồn tại trong thời gian ngắn do thị trường giao ngay không còn sôi nổi như trước.

“Tôi không nghĩ mức giao ngay hiện tại có thể duy trì nếu thị trường nước ngoài hoạt động hết công suất”, vị chuyên gia nói.

Ngọc Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nga-lay-lai-quyen-kiem-soat-dong-rub-post1305773.html