Nga lên tiếng về kế hoạch mua đảo Greenland của ông Trump
Quan chức Nga cho rằng việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng sáp nhập Canada và mua đảo Greenland là ý tưởng phi thực tế.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng ý tưởng của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc biến Greenland và Canada thành một phần của Mỹ khó có thể được xem xét một cách nghiêm túc.
Theo ông Medvedev, ông Trump "chỉ đơn giản là quyết định định hình lại thế giới".
"Kế hoạch của ông ấy là thiết lập một địa lý chính trị mới theo phong cách Trump và biến thế giới buồn tẻ và xám xịt hiện tại thành một thế giới tươi sáng và đầy màu sắc", cựu Tổng thống Nga nhận định.
Quan chức Nga cho rằng, tất cả ý tưởng này "chỉ là những suy đoán hoang đường và phi thực tế".
"Đầu tiên, nước Mỹ được cho là sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhiều bằng cách kiểm soát Canada rộng lớn (và tại sao không - nó sẽ tạo nên một quốc gia lớn, và toàn bộ lục địa sẽ thuộc về người Mỹ), cũng như bằng cách kiểm soát Greenland từ Đan Mạch (không rõ thực sự là gì nhưng có rất nhiều đất ở đó)", ông Medvedev viết trên Telegram.
Ngày 9/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ sự lo ngại trước việc ông Trump từ chối loại trừ khả năng sử dụng “biện pháp cưỡng ép quân sự hoặc kinh tế” trong nỗ lực mua lại Greenland.
Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh rằng Bắc Cực cũng nằm trong phạm vi lợi ích quốc gia và chiến lược của Nga.
“Chúng tôi hiện diện ở khu vực Bắc Cực và sẽ tiếp tục hiện diện ở đó” - ông Peskov nói, lưu ý rằng Nga “quan tâm đến việc duy trì bầu không khí hòa bình và ổn định” trong khu vực và “sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới vì sự hòa bình và ổn định này”.
Cùng ngày, Đại sứ Nga tại Đan Mạch Vladimir Barbin nhấn mạnh rằng Moscow muốn duy trì sự ổn định của Bắc Cực, cảnh báo rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm tăng cường an ninh quốc gia của Mỹ mà gây tổn hại đến các quốc gia khác sẽ được Nga cân nhắc trong các kế hoạch quân sự”.
Ông Barbin cũng khẳng định số phận của Greenland nên được quyết định dựa trên ý chí của người dân nơi đây, trong khuôn khổ luật pháp hiện hành của Đan Mạch và không có sự “can thiệp từ bên ngoài”.
Đan Mạch và các nước châu Âu đã bác bỏ ý tưởng của ông Trump.