Nga mắc sai lầm thế nào khi đối phó với cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine?

Cuộc đột kích xuyên biên giới của Ukraine vào khu vực Kursk ở Nga đã đặt ra nghi vấn về khả năng giám sát của Moskva và chất lượng các công sự phòng thủ tại biên giới.

Binh sĩ Nga giao tranh với các lực lượng Ukraine tại khu vực Kursk. Ảnh: TASS

Binh sĩ Nga giao tranh với các lực lượng Ukraine tại khu vực Kursk. Ảnh: TASS

Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 19/8, ý tưởng rằng Ukraine có thể đảo ngược tình thế với Nga và tấn công vào lãnh thổ của nước láng giềng lớn hơn nhiều dường như là điều không thể tưởng tượng được đối với hầu hết các nhà quan sát cho đến tuần trước.

Sự hoang mang lan rộng nhanh chóng trong cộng đồng người dân Nga địa phương vào sáng sớm 6/8 khi quân đội Ukraine tấn công khu vực Kursk của Nga, mặc dù chính quyền nước này đã nhiều lần nỗ lực đảm bảo với họ rằng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát.

Trong những giờ trước khi quân đội Ukraine tràn qua biên giới phía Tây của Nga, không có dấu hiệu nào từ Moskva cho thấy có điều gì bất ổn.

Chiến dịch gây sốc này đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả giám sát của Nga, cũng như chất lượng các công sự phòng thủ biên giới và lực lượng ở đó.

Chuyên gia quân sự người Pháp Yohann Michel, nghiên cứu viên tại viện IESD ở Lyon, nhận định trong một cuộc phỏng vấn: "Nga đã hoàn toàn bất ngờ về mặt tình báo ở đây".

Chuyên gia Michel lưu ý, với việc lực lượng Ukraine rút lui ở miền Đông Ukraine, một trong những khu vực chiến lược nhất của tiền tuyến, Moskva có thể đã cho rằng Kiev sẽ không thực hiện một "canh bạc" lớn mà ngay cả bây giờ vẫn chưa rõ liệu có thành công hay không.

Cảnh báo bị bỏ qua

Một thành viên quốc hội Nga và cựu sĩ quan quân đội, Andrei Gurulyov, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vài ngày sau cuộc đột kích của Ukraine rằng, các chỉ huy quân sự hàng đầu của Nga đã được cảnh báo trong một báo cáo khoảng một tháng trước đó về những dấu hiệu chuẩn bị cho một cuộc tấn công từ Kiev, nhưng không được chú ý.

Phải đến chiều 7/8, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng Tham mưu trưởng quân đội Valery Gerasimov của Nga, mới đưa ra phát biểu công khai đầu tiên về sự kiện Kursk, mà nhà lãnh đạo Điện Kremlin gọi là "một hành động khiêu khích lớn khác" của Ukraine.

Trong bình luận trên truyền hình, ông Gerasimov nói rằng các đơn vị Nga đã "ngăn chặn" một lực lượng lên tới 1.000 quân Ukraine tiến sâu vào khu vực Kursk.

Phải mất gần 12 giờ kể từ thời điểm xảy ra cuộc xâm nhập, Bộ Quốc phòng Nga mới công khai thừa nhận Ukraine đã tấn công biên giới, chứ chưa nói đến việc đột nhập.

Quyền Thống đốc khu vực Kursk Alexei Smirnov, người mới nhậm chức được vài tháng, lưu ý rằng các khu vực ở hai bên biên giới từ lâu đã quen với các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái. Nhưng các cuộc tấn công vào khu vực Kursk đã dai dẳng hơn bình thường trong 10 ngày trước đó.

Hiệu quả phòng thủ của "Răng rồng"

Người tiền nhiệm của ông Smirnov là Thống đốc Roman Starovoit đã nhiều lần nói với công chúng rằng Nga đã tăng cường các công sự biên giới ở khu vực Kursk.

Vào tháng 12/2022, ông đứng trên một cánh đồng tuyết bên cạnh hệ thống phòng thủ chống tăng "răng rồng" hình kim tự tháp, sau đó viết rằng: "Hiện tại, nguy cơ xâm nhập có vũ trang vào lãnh thổ vùng Kursk từ Ukraine không cao".

Tuy nhiên, vào mùa Thu năm ngoái, Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine, do lực lượng đặc nhiệm thành lập, đã tuyên bố trong một bài đăng trực tuyến rằng hoạt động trinh sát cho thấy "hầu hết các cứ điểm đều không có người và thiết bị" dọc biên giới với Kursk.

Đoạn video do lính dù Ukraine công bố cho thấy cảnh các đoàn xe bọc thép tràn vào qua các dãy "răng rồng", một phần của công sự ở Kursk mà các phương tiện truyền thông Nga cho biết có giá 15 tỷ rúp (168 triệu USD).

Pasi Paroinen, nhà phân tích của Black Bird Group tại Phần Lan, cho biết đoạn phim dường như cho thấy cảnh các dây phá mìn tạo đường đi qua bãi mìn, lưỡi ủi trên xe bọc thép được sử dụng để dọn đường qua bãi công sự răng rồng và xe bắc cầu để vượt qua mương và kênh nhỏ.

Brady Africk, nhà phân tích người Mỹ chuyên lập bản đồ phòng thủ của Nga, nhấn mạnh rằng những vị trí ở khu vực Kursk có ít hào chống tăng và thiết giáp, chướng ngại vật và vị trí chiến đấu hơn so với các vị trí khác của Nga, khiến lực lượng Ukraine có thể dễ dàng tiến qua.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Euractiv)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nga-mac-sai-lam-the-nao-khi-doi-pho-voi-cuoc-tan-cong-xuyen-bien-gioi-cua-ukraine-20240820073642082.htm