Nga mở rộng ảnh hưởng toàn cầu thông qua các dự án hạt nhân
Nga đang tích cực mở rộng ảnh hưởng toàn cầu thông qua các dự án năng lượng hạt nhân, khẳng định vị thế của mình như một cường quốc trong lĩnh vực này. Với hơn 10 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng ở nhiều quốc gia, Nga không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch mà còn củng cố mối quan hệ chiến lược với các nước đang phát triển.
Theo cổng phân tích thông tin News.az của Azerbaijan, Nga đang tích cực mở rộng ảnh hưởng toàn cầu thông qua các dự án năng lượng hạt nhân, với mục tiêu nâng cao vị thế quốc tế và đảm bảo an ninh năng lượng cho các quốc gia đối tác. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển bền vững và giảm khí thải, năng lượng hạt nhân đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược của Moskva.
Theo Boris Titov, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Hợp tác quốc tế trong Phát triển bền vững, hiện có hơn 10 tổ máy điện hạt nhân đang được xây dựng ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Điều này đưa Nga trở thành một bên chủ chốt trong ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân, có khả năng biến đổi bối cảnh năng lượng toàn cầu.
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ và thị trường của Nga, năng lượng hạt nhân đã nổi lên như một nền tảng quan trọng trong chương trình nghị sự kinh tế và địa chính trị của nước này. Bằng cách đầu tư mạnh vào lĩnh vực hạt nhân, Nga không chỉ tìm cách đảm bảo lợi ích kinh tế mà còn tăng cường đòn bẩy địa chính trị của mình. Các dự án đang được tiến hành tại các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng như Bangladesh, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, phản ánh cam kết của Moskva trong việc củng cố mối quan hệ với các bên chủ chốt trên toàn cầu.
Mô hình hợp tác độc đáo
Cách tiếp cận của Nga đối với các quan hệ đối tác năng lượng hạt nhân quốc tế là rất độc đáo. Nga cung cấp một gói dịch vụ toàn diện, từ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân (NPP) đến bảo trì dài hạn và cung cấp nhiên liệu. Chiến lược này giúp tạo ra sự phụ thuộc lâu dài vào chuyên môn và nguồn lực của Nga, mang lại cho Moskva vai trò đáng kể đối với các quốc gia đối tác.
Một trong những ví dụ nổi bật nhất là Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu của Thổ Nhĩ Kỳ. Dự án này không chỉ là một công trình kỹ thuật mà còn là biểu tượng cho chiều sâu của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Được xây dựng theo mô hình BOO (Xây dựng-Sở hữu-Vận hành), dự án này cho phép Nga duy trì toàn quyền kiểm soát cơ sở này. Ngoài việc tăng cường an ninh năng lượng cho Thổ Nhĩ Kỳ, Akkuyu đại diện cho sự hội nhập kinh tế sâu sắc hơn giữa Ankara và Moskva.
Trước bối cảnh năng lượng toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, nhu cầu về nguồn năng lượng sạch đang ngày càng tăng, đặc biệt là với các cam kết giảm phát thải carbon. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), sản lượng điện hạt nhân trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng 155% vào năm 2050. Là một quốc gia hàng đầu trong ngành, Nga đang có vị thế tốt để tận dụng xu hướng này.
Nhà máy điện hạt nhân Paks-2 của Hungary là ví dụ điển hình khác cho sức hấp dẫn bền bỉ của công nghệ hạt nhân Nga. Bất chấp áp lực từ Liên minh châu Âu nhằm cắt đứt quan hệ với Moskva, Hungary vẫn tiếp tục hợp tác với Nga vì tầm quan trọng sống còn của sự độc lập về năng lượng. Những dự án như vậy làm nổi bật sự thống trị của Nga, với hơn một phần ba tổng số lò phản ứng mới đang được xây dựng trên toàn cầu liên quan đến công nghệ của Nga.
Mặc dù Nga đang củng cố vị thế của mình trên thị trường năng lượng hạt nhân, nhưng cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ phương Tây. Vào tháng 5/2024, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu urani làm giàu từ Nga nhằm làm suy yếu ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị của Moskva. Trong khi đó, các nước Đông Âu có lò phản ứng thời Liên Xô đang tìm kiếm các nhà cung cấp nhiên liệu thay thế để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Nga. Tuy nhiên, những nỗ lực này phải đối mặt với những rào cản đáng kể.
Trong Liên minh châu Âu, sự chia rẽ nội bộ ngày càng trở nên rõ ràng. Các quốc gia như Hungary và Slovakia đã phản đối các lệnh trừng phạt nhắm vào năng lượng hạt nhân của Nga vì lý do an ninh năng lượng. Ủy viên Năng lượng EU Dan Jørgensen đã kêu gọi xem xét lại chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Nga, nhưng việc thực hiện những thay đổi như vậy sẽ đòi hỏi nhiều năm đầu tư và nguồn tài chính đáng kể.
Không dừng lại ở đó, Nga cũng đang tìm kiếm cơ hội ở các thị trường mới nổi để đa dạng hóa cơ sở khách hàng của mình. Các thỏa thuận gần đây với Burkina Faso báo hiệu ý định mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi. Tương tự như vậy, các cuộc đàm phán với Malaysia phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng đối với việc áp dụng năng lượng hạt nhân như một phần trong các mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên và Phát triển bền vững của Malaysia Nik Nazmi Nik Ahmad đã công khai thừa nhận vai trò tiềm năng của năng lượng hạt nhân trong việc đạt được các mục tiêu về môi trường và kinh tế. Điều này cho thấy rằng nhu cầu về giải pháp năng lượng sạch và hiệu quả vẫn đang gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Tại Hội nghị COP29 tổ chức tại Azerbaijan vừa qua, tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân cũng đã được nhấn mạnh như một chủ đề chính. Hội nghị đã chỉ ra vai trò ngày càng tăng của năng lượng hạt nhân trong việc giải quyết các thách thức về năng lượng toàn cầu. Nhưng các đại diện Mỹ lại bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực này. Jake Levine, Cố vấn Năng lượng Mỹ, mô tả tình hình là "một thách thức địa chính trị đáng kể", nhấn mạnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt để giành quyền thống trị trên thị trường năng lượng hạt nhân.
Có thể nói, năng lượng hạt nhân không chỉ là nguồn cung cấp điện mà còn là công cụ chiến lược giúp Nga củng cố vị thế địa chính trị trên trường quốc tế. Qua các dự án hợp tác quốc tế và đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ hạt nhân, Moskva đang khẳng định vai trò chủ chốt trong việc giải quyết các thách thức về năng lượng của thế giới. Bất chấp những khó khăn do lệnh trừng phạt và cạnh tranh từ phương Tây, Nga vẫn tiếp tục mở rộng ảnh hưởng trên thị trường năng lượng hạt nhân toàn cầu. Chiến lược này không chỉ giúp Moskva duy trì vị trí hàng đầu mà còn tạo ra cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.