Nga muốn Anh, Pháp tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân
Hôm thứ Năm (39/7), Nga cho biết họ muốn Anh và Pháp tham gia vào các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân rộng lớn hơn với Hoa Kỳ, trong khi họ nói rằng Washington muốn Trung Quốc tham gia.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov gặp mặt trước cuộc họp tại cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 28 tháng 7 năm 2021 - Ảnh: Phái đoàn Hoa Kỳ tại Geneva
Bài liên quan
Đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran đã hoàn thành 90%
Mỹ nói Trung Quốc có thể sớm có vũ khí hạt nhân mới nhất
Mỹ lo ngại về việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc
Đại sứ Nga tại Washington, Anatoly Antonov, cho biết sẽ không thể tránh khỏi vấn đề các cường quốc cuối cùng sẽ phải thảo luận về việc mở rộng các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí và Moscow coi Anh và Pháp là những ưu tiên trong vấn đề đó.
“Câu hỏi này có liên quan đặc biệt với quyết định gần đây của London về việc tăng mức tối đa của đầu đạn hạt nhân lên 40% - lên 260 đơn vị”, ông Antonov cho biết trong các bình luận được Bộ Ngoại giao công bố hôm thứ Năm (29/7).
Trong bình luận khác, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng Hoa Kỳ muốn Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán rộng hơn về kiểm soát vũ khí hạt nhân, hãng thông tấn Interfax đưa tin.
Trước đó, các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga đã gặp nhau tại Geneva hôm thứ Tư (28/7) để khởi động lại các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng giữa các cường quốc vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với mối quan hệ ở mức thấp thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã dẫn đầu các phái đoàn của họ tại cuộc họp tại cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ ở Geneva, Thụy Sĩ.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Ryabkov cho biết ông hài lòng với các cuộc tham vấn và Hoa Kỳ thể hiện sự sẵn sàng cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng tại cuộc hội đàm.
Được sự ủy nhiệm của các nhà lãnh đạo Joe Biden và Vladimir Putin, đây là lần đầu tiên sau gần một năm hai bên tổ chức cái gọi là cuộc đàm phán ổn định chiến lược trong bối cảnh mâu thuẫn về một loạt vấn đề, bao gồm cả kiểm soát vũ khí.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 đã nhất trí khởi động đối thoại song phương về ổn định chiến lược để "đặt nền móng cho các biện pháp kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro trong tương lai". Mỹ và Nga là hai nước nắm giữ 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Sau các cuộc tham vấn không chính thức nhằm "xác định chủ đề cho các nhóm công tác chuyên gia" trong vòng tiếp theo, hai bên đã đồng ý triệu tập lại vào cuối tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một tuyên bố.
Ông gọi các cuộc thảo luận là "chuyên nghiệp và thực chất" và cho biết phía Hoa Kỳ đã thảo luận về các ưu tiên chính sách của mình, môi trường an ninh quốc tế hiện tại, "triển vọng kiểm soát vũ khí hạt nhân mới" và hình thức cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, quyết định gặp lại cho thấy các bên hiểu cần phải giải quyết các tranh chấp về kiểm soát vũ khí.
Vào tháng Hai, Nga và Hoa Kỳ đã gia hạn thêm 5 năm cho hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START song phương vài ngày trước khi hiệp ước này hết hiệu lực. Hiệp ước giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược, tên lửa và máy bay ném bom mà Nga và Mỹ có thể triển khai. Hai bên dự kiến sẽ thảo luận về hệ thống vũ khí và công nghệ nào được quan tâm nhiều nhất.