Nga, Mỹ đồng loạt có động thái hạt nhân gây lo ngại
Mỹ đã tiến hành một vụ nổ mạnh tại địa điểm thử nghiệm hạt nhân ở Nevada, chỉ vài giờ sau khi Nga thu hồi lệnh cấm thử nghiệm vũ khí nguyên tử, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.
Bộ Năng lượng - cơ quan giám sát kho dự trữ hơn 5.000 vũ khí hạt nhân của Mỹ - cho biết cuộc thử nghiệm diễn ra hôm 18/10 (giờ địa phương) ở miền Nam Nevada đã sử dụng hóa chất và đồng vị phóng xạ để có thể giúp cơ quan này phát hiện các vụ nổ nguyên tử ở các quốc gia khác.
Mặc dù cuộc thử nghiệm là hợp pháp nhưng lại xảy ra vào thời điểm đáng chú ý - diễn ra ngay sau khi Nga tuyên bố sẽ không còn tuân thủ Hiệp ước cấm thử nghiệm toàn diện, nhằm cấm các vụ nổ hạt nhân. Hiệp ước này chưa bao giờ có hiệu lực pháp lý mặc dù Nga và Mỹ đều tuân thủ các quy định liên quan kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Các quan chức Mỹ cho rằng cần phải minh bạch hơn vì mặc dù các nước không thử nghiệm đầu đạn nhưng họ tiến hành cái gọi là thí nghiệm cận tới hạn - các vụ nổ xác minh thiết kế vũ khí mà không cần lượng vật liệu nguyên tử cần thiết để duy trì phản ứng dây chuyền. Những vụ nổ nhỏ hơn đó vẫn có thể được các trạm địa chấn nhạy cảm phát hiện và làm dấy lên nghi ngờ giữa các đối thủ.
Daryl Kimball, giám đốc điều hành của Cơ quan Kiểm soát Vũ khí, cho biết: "Vì Nga đang cáo buộc Mỹ chuẩn bị cho các vụ nổ thử hạt nhân không tuân thủ và Mỹ cũng đã cáo buộc Nga điều tương tự, cả hai nên ngồi xuống các bàn thảo luận để xây dựng lòng tin với đối phương".
Giới phân tích lo ngại rằng những hành động như cuộc thử nghiệm tuần này của Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ có thể bị hiểu sai và dẫn đến leo thang hơn nữa, đặc biệt là trong bối cảnh sự thù địch sâu sắc giữa Mỹ và Nga ngày càng trầm trọng hơn do cuộc chiến ở Ukraine.
Pavel Podvig, người theo dõi lực lượng hạt nhân của Nga tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Vũ khí của Liên Hợp quốc ở Geneva, dự báo: "Trong vài ngày tới, Điện Kremlin có thể nói rằng người Mỹ đang tiến hành các cuộc thử nghiệm và chúng tôi không có cách nào xác minh những cuộc thử nghiệm này không phải là hạt nhân. Đó sẽ là một bước leo thang hơn nữa".
Cả 2 chuyên gia Kimball và Podvig đều nhất trí về một giải pháp tạm thời là cho phép các nhà quan sát độc lập thu thập dữ liệu từ những vụ thử hạt nhân tới hạn. Đội ngũ thanh sát viên của Tổ chức Hiệp ước Cấm thử nghiệm, có trụ sở tại Vienna, sẽ là một lựa chọn hợp lý, nhưng hiện vẫn còn bị hạn chế về khả năng thực hiện điều đó.
Robert Floyd, thư ký điều hành của tổ chức hiệp ước, cho biết trong một tuyên bố qua email rằng việc Nga hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân là "vô cùng đáng tiếc", khi nhấn mạnh rằng "hiệp ước dự kiến mang đến nhiều biện pháp xây dựng lòng tin khác nhau".
Trong khi Mỹ sẽ cố gắng giảm thiểu rủi ro với Nga thì nước này được cho cũng cần chuẩn bị cho một tương lai - "khi mà các hiệp ước kiểm soát vũ khí chính thức khó hoặc không thể đạt được" - một báo cáo Quốc hội cấp cao về Vị thế Chiến lược của Mỹ được xuất bản vào tuần trước nêu rõ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nga-my-dong-loat-co-dong-thai-hat-nhan-gay-lo-ngai.html