Nga-Mỹ liệu đã sẵn sàng để hướng tới một giai đoạn ngoại giao mới?
Bất chấp những cảnh báo qua lại lẫn nhau, song cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều hi vọng các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược giữa hai nước vào ngày 10/1 tới sẽ mở ra con đường thoát khỏi khủng hoảng.
Đánh giá về cuộc điện đàm ngay trước thềm Năm mới 2022 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga, một quan chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thốngJoe Biden đã nhấn mạnh hai khía cạnh trong cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng đều phụ thuộc vào hành động của Nga trong giai đoạn sắp tới. Một là ngoại giao và một con đường khác là răn đe, bao gồm những điều chỉnh và tăng cường thế trận của NATO ở các nước đồng minh, cũng như tăng cường khả năng phòng vệ cho Ukraine.
Cố vấn chính sách đối ngoại Điện Kremlin Yuri Ushakov thì cảnh báo, bất kỳ bước đi “quá đà” nào của Mỹ và các đồng minh đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và cắt đứt hoàn toàn các mối quan hệ. Lập trường được xem là đã mềm mỏng hơn so với trước đó khi Nga liên tục yêu cầu NATO không kết nạp Ucraina để tránh nguy cơ một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu.
Ông Ushakov cho biết thêm, Tổng thống Biden đã nói với Nhà lãnh đạo Nga rằng Mỹ sẽ không đặt tên lửa ở Ukraine.
“Nhà lãnh đạo Mỹ đã đề cập rằng, nếu căng thẳng dọc biên giới Ucraina tiếp tục leo thang, phương Tây sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt quy mô lớn về kinh tế, tài chính và quân sự. Điều đó sẽ chỉ dẫn đến sự đổ vỡ hoàn toàn trong quan hệ giữa các quốc gia và gây ra thiệt hại nặng nề nhất cho quan hệ giữa Nga- phương Tây”, ông Ushakov nói.
Dự kiến chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược sắp tới giữa Nga và Mỹ sẽ bao trùm nhiều chủ đề từ Ukraine đến vũ khí hạt nhân và tấn công mạng. Ngoài ra trong các ngày 12 và 13/01, cũng diễn ra cuộc họp Hội đồng NATO- Nga và cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, với sự tham gia của cả Ukraine. Theo Tổng thống Joe Biden, tiến bộ thực chất trong các cuộc đối thoại chỉ có đạt được trong một môi trường giảm leo thang căng thẳng.
“Chúng tôi sẽ có 3 hội nghị lớn tại châu Âu bắt đầu từ giữa tháng này, bao gồm cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, Hội đồng Nga- NATO, cũng như tiếp tục thảo luận về các học thuyết chiến lược của chúng tôi. Nga đã đưa ra một số mối quan tâm của mình về NATO, Mỹ và Châu Âu. Chúng tôi cũng sẽ nêu ra những quan ngại của mình. Tuy nhiên tôi cũng đã nói rằng, đàm phán chỉ mang lại hiệu quả trong môi trường giảm leo thang chứ không phải là làm leo thang tình hình”, ông Biden cho biết.
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin hồi tuần này cũng là cuộc gọi thứ 2 chỉ trong vòng 1 tháng và lần này là theo đề xuất của Nga. Cuộc thảo luận được cả 2 bên đánh giá là “nghiêm túc và thực chất”./.