Nga, Mỹ và cuộc đua tiêm kích thế hệ 6

Nga nói đang phát triển tiêm kích MiG-41 với những tính năng 'chưa từng có', trong khi Mỹ đổ nhiều tỷ USD và đạt được những bước tiến trong chương trình tiêm kích thế hệ 6.

Cựu Tư lệnh không quân Ấn Độ, tướng Anil Chopra nói ông nhận được thông tin cho rằng Nga đang đạt các bước tiến nghiên cứu, vượt qua các ranh giới hiện tại của kỹ thuật hàng không để đẩy nhanh quá trình phát triển tiêm kích thế hệ 6, MiG-41.

MiG-41 được cho là phát triển hoặc lấy cảm hứng từ dòng tiêm kích hạng nặng MiG-31M đã và đang phát huy hiệu quả trong Không quân Nga. Tiêm kích thế hệ 4 MiG-31 “Foxhound” có tốc độ tối đa 2,83 Mach (trên 3.500 km/h). Nó được trang bị một kho bom, tên lửa và pháo, bao gồm 6 tên lửa tầm xa R-37.

Chiến cơ Mig-41 của Nga.

Chiến cơ Mig-41 của Nga.

Các công nghệ “chưa từng có”

Theo ông Chopra, MiG-41 nhiều khả năng sẽ sở hữu tất cả những ưu điểm của MiG-31. “Nhưng MiG-41 sẽ phải là một nền tảng vũ khí mạnh mẽ hơn. Vũ khí sẽ được giấu kín tại các khoang chứa bố trí trong thân máy bay. “Người Nga nói rằng MiG-41 sẽ có những tính năng mà thế giới hàng không chưa từng thấy”, cựu tướng Không quân Ấn Độ thông tin trên EA Times.

MiG-41 PAK DP là chương trình đang diễn tiến của quân đội Nga nhằm phát triển một dòng máy bay đánh chặn siêu thanh tàng hình kiêm tiêm kích hạng nặng, nhằm thay thế tiêm kích MiG-31 trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vào giữa những năm 2030. Máy bay mới sẽ tích hợp các công nghệ và thiết kế thế hệ thứ 6.

Thiết kế của MiG-41 PAK DP được cho là đã hoàn thiện từ cuối năm 2019. Ilya Tarasenko, Tổng giám đốc Tập đoàn MiG, đồng thời là người đứng đầu Tập đoàn chế tạo máy bay Sukhoi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7/2020 rằng PAK DP sẽ được tạo ra dựa trên các cải tiến thiết kế trên nền tảng MiG-31.

Ông Tarasenko cũng cho biết đây sẽ là một thiết kế và nền tảng mới có khả năng đạt tốc độ Mach 4 trở lên, được trang bị thiết bị phóng tia laser chống tên lửa và có thể hoạt động ở độ cao rất lớn và thậm chí ở gần không gian, bay giữa tầng bình lưu (45 km) và tầng đối lưu (12 km).

Máy bay này cũng sẽ mượn ý tưởng và công nghệ từ phiên bản tiêm kích MiG-31M với radar Zaslon-M tiên tiến. Nó có thể được trang bị một biến thể động cơ Izdeliye 30 hiện đang được phát triển cho tiêm kích thế hệ 5 của Nga là Su-57. Trung tâm Khoa học Kỹ thuật Đo lường Hàng không Soyuz, tổ chức nghiên cứu và phát triển hàng đầu của Nga, tiết lộ một số thông tin trên trang web của mình về loại động cơ R-579 300 có thể được trang bị cho tiêm kích Su-57.

Thách thức chính đối với dự án MiG-41 dường như là việc phát triển loại động cơ phù hợp, đặc biệt là việc kiểm soát sự hao mòn động cơ, do tải trọng động đặc biệt của MiG-41, loại máy bay hạng nặng trong khi ứng dụng công nghệ tàng hình như các tiêm kích thế hệ 5 hiện nay là F-22, F-35 hay Su-57.

Và điều được xem là có thể có đột phá trên MiG-41, theo ông Chopra, chính là vũ khí của máy bay.

Nga đang phát triển súng xung điện từ (EMP), một loại súng có tiềm năng thay đổi cuộc chơi trong chiến tranh trên không. Đây là loại vũ khí hủy diệt, phóng xung điện từ ngắn đôi khi còn được gọi là nhiễu điện từ quá độ do con người chủ động tạo ra.

Thuật ngữ “vũ khí xung điện từ” bắt nguồn từ những nghiên cứu về vũ khí hạt nhân của Mỹ từ những năm 1950. Trong một vụ thử nghiệm bom khinh khí vào năm 1958, các nhà khoa học đã phát hiện một vụ nổ gây đoản mạch, hư hại hệ thống chiếu sáng tại một hòn đảo ở Hawaii cách nơi thử nghiệm hàng trăm cây số. Vụ nổ này cũng làm gián đoạn các hoạt động của sóng radio tại châu Úc.

Ông Chopra dự đoán Nga sẽ trang bị cho MiG-41 pháo điện từ. Súng EMP có thể là công cụ răn đe hiệu quả trước các máy bay không người lái đối phương. MiG-41 cũng có thể được trang bị tên lửa tầm xa R-37M.

Tháng 1/2021, Tập đoàn Rostec, chủ sở hữu công ty MiG, thông báo tiêm kích thế hệ 6 PAK DP đã bước vào giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, dường như đã có những chậm trễ.

“Chuyến bay đầu tiên được lên kế hoạch diễn ra vào năm 2025, có nghĩa là rất nhiều công việc lẽ ra đã phải được thực hiện. Nếu theo đúng lộ trình thì các cuộc thử nghiệm trên đường băng phải bắt đầu vào năm 2024”, ông Chopra, cựu chỉ huy Không quân Ấn Độ, bạn hàng quen thuộc của các hãng chế tạo máy bay quân sự Nga, nhận định.

Tuy nhiên, ông cho rằng tình hình thực tế chiếc tiêm kích thế hệ 6 của Nga là rất khó dự đoán vì đây là chương trình mang tính bảo mật cao. Nếu MiG-41 thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên vào năm 2025 thì nó dự kiến sẽ kết thúc giai đoạn thử nghiệm, đi vào hoạt động chính thức từ năm 2030.

Là một tiêm kích đánh chặn, nhiệm vụ chính của MiG-41 được đồn đại là nhằm vượt mặt các máy bay trinh sát hiện đang được Mỹ và Trung Quốc phát triển. Theo một số phương tiện truyền thông Nga, PAK DP được hình dung sẽ trở thành thiết bị đánh chặn tên lửa siêu thanh với hệ thống tên lửa đánh chặn tầm xa đa chức năng (MPKR DP), trang bị các tên lửa phụ (được một tên lửa khác mang theo) để tăng khả năng đánh trúng mục tiêu là tên lửa siêu thanh. PAK DP cũng được thiết kế để mang theo thiết bị phóng tia laser hoặc tên lửa chống vệ tinh.

Mô phỏng chiến cơ thế hệ mới của Mỹ.

Mô phỏng chiến cơ thế hệ mới của Mỹ.

Những thách thức thiết kế

Nhiều nhà phân tích hàng không phương Tây tin rằng mặc dù chưa có nhiều thông tin nhưng người Nga dường như đang đưa ra những khái niệm công nghệ chưa từng có. Khái niệm tiên tiến nhất hiện nay là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) của Không quân Mỹ.

Cuộc đua tiêm kích thế hệ 6 đã nhen nhóm trong khi các cường quốc vẫn đang phát triển, hoàn thiện tiêm kích thế hệ 5. “Trung Quốc vẫn đang nói về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng kinh phí cho các chương trình tương lai. Nga vẫn đang nỗ lực hoàn thiện quá trình phát triển và cố gắng có được số lượng kha khá tiêm kích Su-57”, tướng Chopra nói.

Theo ông, với dòng tiêm kích thế hệ 5 một động cơ Su-75 Checkmate vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, cả hai chương trình Su-57 và Su-75 của Nga đều đang tìm kiếm đối tác nước ngoài nhằm tăng số lượng đơn đặt hàng, huy động vốn và giảm chi phí. Việc Nga đang nói quá về chương trình MiG-41 hay không rất khó đoán định, trong bối cảnh nước này đang tham chiến tại Ukraine và bị phương Tây cấm vận. Tài chính là vấn đề rất lớn đối với chương trình MiG-41.

Bên cạnh đó là các rào cản kỹ thuật. Ở tốc độ gần bằng tốc độ âm thanh, nhiệt độ bề mặt lớn hơn do ma sát không khí, vẫn giữ được khả năng tàng hình mà không làm hỏng lớp phủ máy bay là một thách thức về mặt công nghệ. Nhiệt từ khí thải cũng có thể làm tăng tín hiệu phản xạ radar của máy bay. Việc bảo trì và sửa chữa lớp phủ tàng hình rất tốn kém và ngay cả Mỹ cũng gặp khó khăn. Thiết kế buồng lái, kính khoang lái cho máy bay bay vượt tốc độ âm thanh đồng thời vẫn giữ được khả năng tàng hình cũng sẽ là một thách thức.

Để tăng phạm vi hoạt động, máy bay cần phải mang theo nhiều nhiên liệu hơn, đồng nghĩa với việc tăng kích thước và trọng lượng. Ngoài ra, MiG-41 cần tiếp nhiên liệu trên không trong hầu hết các nhiệm vụ. Khả năng khai hỏa ở tốc độ siêu vượt âm cũng cần đến các loại vũ khí được thiết kế đặc biệt, ông Anil Chopra phân tích.

Người Mỹ cũng “chạy nước rút”

NGAD là chương trình bí mật và tuyệt mật của Không quân Mỹ (USAF) nhằm tăng khả năng sát thương và đảm bảo ưu thế trên không trước các đối thủ tiềm tàng là Nga và Trung Quốc, hai nước cho đến nay mới thử nghiệm, bước đầu biên chế tiêm kích thế hệ 5.

Theo Airforce Technology, chiếc chiến đấu cơ thế hệ 6 của Mỹ sẽ là nền tảng tích hợp các công nghệ kết nối mạng của chương trình NGAD. Nó sẽ được hỗ trợ trong tác chiến bởi nhiều máy bay có người lái, các máy bay không người lái và các hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc tiên tiến.

USAF đã tổ chức bay trình diễn nguyên mẫu tiêm kích thế hệ 6, một phần của chương trình NGAD hồi tháng 9/2020. Máy bay này dự kiến thay thế tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor bắt đầu từ năm 2030. USAF dự định mua 200 tiêm kích NGAD và 1.000 máy bay chiến đấu hợp tác không người lái (CCA), sử dụng hai nền tảng CCA cho mỗi tiêm kích NGAD và hai nền tảng khác cho mỗi chiếc trong số 300 tiêm kích thế hệ 5 F-35.

Tháng 2/2024, hãng chế tạo động cơ máy bay Pratt & Whitney hoàn tất cuộc đánh giá quan trọng về giải pháp động cơ đẩy thích ứng (NGAP) thế hệ tiếp theo với sự phối hợp từ USAF. Nhóm đang tập trung thử nghiệm trên mặt đất với động cơ NGAP, được gọi là XA103.

Chương trình NGAD cung cấp cho USAF tiêm kích thế hệ 6, tác chiến kết hợp các nền tảng không người lái, được trang bị vũ khí, hệ thống tác chiến điện tử và cảm biến tiên tiến để thực hiện thành công nhiệm vụ trong một không gian chiến đấu có tính cạnh tranh cao.

Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall hồi tháng 6/2022 nói rằng chương trình NGAD đã sẵn sàng chuyển sang giai đoạn phát triển kỹ thuật, sản xuất và thiết kế. Tháng 5/2023, Bộ Không quân Mỹ phát hành một tài liệu mời thầu tới các nhà thầu quốc phòng nhằm tiến tới các hợp đồng phát triển kỹ thuật và sản xuất cho nền tảng máy bay chiến đấu NGAD, dự kiến được ký kết trong năm 2024.

Các công ty Pratt & Whitney, General Electric, Lockheed Martin, Boeing và Northrop Grumman, mỗi bên được trao hợp đồng 10 năm trị giá gần 1 tỷ USD cho chương trình NGAP hồi tháng 8/2022. Các hợp đồng bao gồm hoàn thiện công nghệ và giảm thiểu rủi ro thông qua các giai đoạn khác nhau bao gồm thiết kế, phân tích, thử nghiệm động cơ nguyên mẫu, thử nghiệm trên dàn mô phỏng và tích hợp hệ thống vũ khí. Các công ty đã ký hợp đồng được yêu cầu phát triển động cơ nguyên mẫu cho máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.

Chiến đấu cơ NGAD sẽ được triển khai để thực hiện các nhiệm vụ phản công, tấn công không đối không, tấn công các mục tiêu trên mặt đất để mang lại ưu thế trên không cho lực lượng chung. Chương trình NGAD hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng sống sót, khả năng thích ứng, tính bền bỉ và khả năng tương tác của không quân. Tuy nhiên, thiết kế chi tiết và thông số kỹ thuật của NGAD chưa được công bố do tính chất bí mật của chương trình.

Theo Airforce Technology, NGAD ước tính có giá khoảng 300 triệu USD mỗi chiếc (trong khi Su-57 của Nga phiên bản xuất khẩu có giá 60-80 triệu USD chưa bao gồm vũ khí). Do chi phí đáng kể liên quan đến việc mua sắm máy bay có người lái thế hệ tiếp theo, USAF đang có kế hoạch triển khai nhiều CCA rẻ tiền hơn, có thể hoạt động song song với NGAD.

CCA bay cùng máy bay chiến đấu có người lái có thể nhận và thực hiện lệnh từ phi công một cách liền mạch. Chúng dự kiến mang theo các cảm biến tiên tiến, các mô - đun tác chiến điện tử hoặc đạn dược bổ sung để tăng cường sức mạnh cho NGAD và thực hiện các vai trò khác nhau, bao gồm khai hỏa vũ khí, gây nhiễu hoặc dùng cảm biến thu thập thông tin.

Chương trình NGAD ước tính cần ngân sách 16 tỷ USD trong 5 năm tới để nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá. USAF đã đề nghị được chi 2,3 tỷ USD cho chương trình trong đề xuất ngân sách cho năm tài chính 2024 nhằm tiếp tục phát triển NGAD và động cơ NGAD. Trong yêu cầu ngân sách năm tài khóa 2023, USAF đã chi khoảng 1,7 tỷ USD cho chương trình NGAD.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/nga-my-va-cuoc-dua-tiem-kich-the-he-6-i728819/