Nga nâng cấp cách phóng tên lửa Iskander-M, phòng không Ukraine thêm khó?

Chiến lược của Nga trong cuộc tấn công có sử dụng tên lửa Iskander-M vào Ukraine tuần qua dường như không chỉ dừng lại ở việc phá hủy đơn thuần mà còn ám chỉ sự tiến hóa tinh vi trong các chiến thuật trên không của Moscow.

Cuối tuần qua, lực lượng Nga đã phóng một loạt máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nhắm vào nhiều địa điểm trên khắp Ukraine, trong đó thủ đô Kiev là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chính quyền Ukraine nói rằng cuộc tấn công ngày 6-4 của Nga có sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander-M - một loại vũ khí nổi tiếng về tốc độ và độ chính xác.

 tên lửa Iskander-M của Nga. Ảnh: TASS

tên lửa Iskander-M của Nga. Ảnh: TASS

Theo các bài đăng của AMK Mapping - một nguồn theo dõi cuộc xung đột bằng thông tin tình báo nguồn mở - trên mạng xã hội X, Nga đã bắn 8 tên lửa Iskander-M vào các mục tiêu ở Kiev, đồng thời nói rằng không có tên lửa nào của Nga bị đánh chặn. Nga và Ukraine chưa lên tiếng về thông tin này.

Uy lực tên lửa Iskander-M

Tên lửa Iskander-M được coi là nền tảng của kho vũ khí hiện đại của Nga và là một hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động được thiết kế để tấn công với độ chính xác cao.

Được Nga chính thức định danh là 9K720 và Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi là SS-26 Stone, tên lửa này có tầm bắn lên tới gần 500 km và có thể mang theo tải trọng hơn 800 kg, bao gồm các đầu đạn thông thường như đầu đạn phân mảnh có sức nổ mạnh, bom chùm hoặc thậm chí là đầu đạn hạt nhân.

Đáng chú ý, tên lửa Iskander-M có tốc độ vượt quá 2 km/giây hay khoảng Mach 6 đến 7 và khả năng cơ động trong khi bay. Không giống như tên lửa đạn đạo truyền thống bay theo một cung tròn có thể dự đoán được, tên lửa này sử dụng quỹ đạo bán đạn đạo, thực hiện các động tác né tránh trong giai đoạn cuối của nó trong khi thả mồi nhử để đánh lạc hướng hệ thống phòng không.

Đường bay với tốc độ cao và độ cao thấp của tên lửa Iskander-M đặt ra một thách thức lớn đối với hệ thống phòng không của Ukraine. Tên lửa này chuyển với vận tốc siêu thanh làm giảm thời gian phản ứng của bên phòng thủ xuống chỉ còn vài giây và khả năng cơ động của nó cũng làm phức tạp việc theo dõi radar.

Để hiểu rõ vai trò của tên lửa Iskander-M, cần so sánh tên lửa với các đối tác toàn cầu của nó. Hệ thống của Nga có chung đặc điểm với KN-23 của Triều Tiên - một tên lửa đạn đạo tầm ngắn được thử nghiệm vào năm 2022 với khả năng cơ động tương tự, mặc dù có tầm bắn ngắn hơn, khoảng 450 km.

Tên lửa đạn đạo siêu thanh DF-17 của Trung Quốc có tốc độ lên tới Mach 10 và tầm bắn vượt quá 1.770 km. Trong khi đó, Mỹ đã chậm hơn trong việc triển khai các loại vũ khí tương đương, với AGM-183 ARRW vẫn đang trong quá trình thử nghiệm tính đến năm 2023, theo tờ The Defense Post.

Ưu điểm của Iskander-M nằm ở độ hoàn thiện trên chiến trường mang đến cho Nga lợi thế thực tế so với các đối thủ vẫn đang hoàn thiện hệ thống của họ. Tên lửa lần đầu tiên được sử dụng ở Georgia vào năm 2008 và được cải tiến trong lúc sử dụng tại Syria và Ukraine. Công nghệ mồi nhử của tên lửa Iskander-M càng làm cho nó trở nên khác biệt hơn, vì đây một tính năng không có trong nhiều thiết kế của phương Tây, tờ The New York Times dẫn nguồn tin tình báo Mỹ hồi năm 2022.

 Hiện trường cuộc không kích vào thủ đô Kiev (Ukraine) vào ngày 6-4. Ảnh: CƠ QUAN KHẨN CẤP NHÀ NƯỚC UKRAINE

Hiện trường cuộc không kích vào thủ đô Kiev (Ukraine) vào ngày 6-4. Ảnh: CƠ QUAN KHẨN CẤP NHÀ NƯỚC UKRAINE

Về mặt lịch sử, tên lửa Iskander-M là chốt chặn trong chiến lược quân sự của Nga, được phát triển vào những năm 1990 để thay thế tên lửa Scud thời Liên Xô và được đưa vào hoạt động vào năm 2006. Việc triển khai tên lửa này đến Kaliningrad vào năm 2015 đã làm NATO lo ngại, đưa các thủ đô châu Âu vào tầm tấn công và thúc đẩy các cuộc tranh luận về việc nâng cấp phòng thủ tên lửa.

Ở Ukraine, tên lửa Iskander-M là mối đe dọa thường trực kể từ năm 2022, với các cuộc tấn công như vụ tấn công vào Kramatorsk năm 2022 cho thấy độ chính xác của tên lửa này đối với các mục tiêu kiên cố của Ukraine, theo Viện Nghiên cứu Quốc tế Iran. Cuộc tấn công vào Ukraine ngày 6-4 dựa trên cách thức đó, có khả năng báo hiệu sự tự tin của Nga vào khả năng xuyên thủng cả các hệ thống phòng thủ tiên tiến của phương Tây.

Chiến lược của Nga

Chiến lược của Nga trong cuộc tấn công này dường như không chỉ dừng lại ở việc phá hủy đơn thuần, ám chỉ sự tiến hóa tinh vi trong các chiến thuật trên không của nước này. Sự kết hợp giữa UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo cho thấy một nỗ lực cố ý nhằm bão hòa các biện pháp phòng thủ của Ukraine.

UAV có khả năng là các mẫu Shahed do Iran thiết kế mà Nga đã sử dụng từ năm 2022, đóng vai trò là mồi nhử giá rẻ, buộc các đơn vị phòng không phải tốn nguồn lực để theo dõi và vô hiệu hóa chúng. Sau đó, các tên lửa hành trình, chẳng hạn như Kalibr, được phóng đi với tầm bắn xa hơn và độ chính xác cao hơn nhằm làm cạn kiệt kho dự trữ máy bay đánh chặn của Ukraine.

Iskander-M, với tốc độ và sức mạnh xuyên phá, trở thành cú đấm hạ gục, nhắm vào các mục tiêu có giá trị cao như các cơ sở quân sự hoặc cơ sở hạ tầng mà các đợt tấn công trước đó đã phơi bày. Cách tiếp cận theo từng lớp này phản ánh các chiến thuật đã thấy trong các cuộc tấn công trước đó, chẳng hạn như loạt tấn công hồi cuối năm 2023 khi Nga phóng kết hợp 36 UAV Shahed với 120 tên lửa. Tuy nhiên, cuộc tấn công vào tuần trước có thể cho thấy sự tinh chỉnh, với Iskander-M đóng vai trò trung tâm.

Ukraine không tiết lộ thông tin chi tiết về hiệu suất phòng không của nước này trong việc đối phó các cuộc tấn công như vậy của Nga. Các tuyên bố chính thức từ Kiev tập trung vào phạm vi của cuộc tấn công và thương vong trực tiếp về người nhưng lại bỏ qua thông tin cụ thể về các vụ đánh chặn.

Điều này là vì việc tiết lộ điểm yếu có thể khiến Nga khai thác chúng nhiều hơn nữa, trong khi thừa nhận những khó khăn trong việc chống lại tên lửa Iskander-M có thể làm suy yếu niềm tin của các đồng minh phương Tây đã đầu tư mạnh vào quốc phòng của Ukraine.

Nếu khẳng định của AMK Mapping là đúng rằng cả 8 tên lửa Iskander-M mà Nga phóng hồi tuần trước đều trúng mục tiêu thì điều này có thể báo hiệu một điểm yếu trong thiết lập hệ thống phòng không hiện tại của Ukraine. Điều này có thể là do khối lượng lớn các mối đe dọa áp đảo khả năng radar và đánh chặn.

Tác động

Những tác động rộng hơn của cuộc tấn công này lan rộng ra ngoài ranh giới thủ đô Kiev. Nếu Iskander-M thực sự tránh được việc đánh chặn, tên lửa có thể buộc các nước phải đánh giá lại các chiến lược phòng không. Các hệ thống như Patriot - được thiết kế để chống lại các mối đe dọa thời Chiến tranh Lạnh - có thể cần được nâng cấp để xử lý các tên lửa siêu thanh, có khả năng cơ động.

Với Mỹ, đây có thể một viễn cảnh tốn kém vào thời điểm ngân sách quốc phòng của nước này đang bị căng thẳng. Mỹ đã viện trợ 61 tỉ USD cho Ukraine kể từ năm 2022, theo Lầu Năm Góc. Phản ứng của NATO có thể bao gồm việc đẩy nhanh các dự án như Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Châu Âu - được đưa ra vào năm 2023 để tăng cường phòng thủ tên lửa.

Năng lực sản xuất của Nga cũng đáng được xem xét kỹ lưỡng. Theo ước tính của tình báo Ukraine vào tháng 11-2023, Nga sản xuất 30 tên lửa Iskander-M mỗi tháng. Tốc độ này vẫn được duy trì bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Moscow không bình luận về thông tin này.

Việc Nga phóng 8 tên lửa Iskander-M trong một cuộc tấn công cho thấy đây là một khoản chi tiêu đáng kể, mà rộng hơn là một kho dự trữ lớn hơn dự kiến của Nga hoặc một sự sẵn sàng dùng nguồn dự trữ để đạt được lợi ích chiến lược.

Bên cạnh đó, cuộc tấn công này cũng làm nổi bật sự bất cân xứng đáng lo ngại. Khả năng tinh chỉnh chiến thuật của Nga khi kết hợp UAV giá rẻ với tên lửa cao cấp, trái ngược với sự phụ thuộc của Ukraine vào một mớ hỗn độn các hệ thống vũ khí Liên Xô và viện trợ hữu hạn của phương Tây. Thành công rõ ràng của Iskander-M, nếu được xác nhận, sẽ phơi bày giới hạn của các biện pháp đối phó hiện tại của Ukraine.

Tuy nhiên, cuộc tấn công trên cũng đặt ra một câu hỏi: liệu Ukraine và các đồng minh có thể thích nghi đủ nhanh để ngăn chặn mối đe dọa đang phát triển này hay không, hay sách lược trên không của Nga sẽ thiết lập một tiêu chuẩn mới cho chiến tranh hiện đại? Câu trả lời, vẫn đang diễn ra trên bầu trời Kiev, sẽ định hình không chỉ cuộc xung đột này mà còn cả tương lai của an ninh toàn cầu.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nga-nang-cap-cach-phong-ten-lua-iskander-m-phong-khong-ukraine-them-kho-post843992.html