Nga - NATO: Cơ hội tháo gỡ bất đồng
Nhằm giải tỏa những căng thẳng có chiều hướng leo thang trong thời gian vừa qua, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg vừa đưa ra đề xuất triệu tập cuộc họp Hội đồng Nga - NATO vào ngày 12-1-2022. Dư luận thế giới kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để hai bên đối thoại, tìm ra phương thức tháo gỡ bất đồng, tránh làm gia tăng những nguy cơ mới cho an ninh khu vực và thế giới.
Ngày 27-12, trả lời Báo Tass, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko cho biết, Mátxcơva đang cân nhắc đề nghị của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Nếu Điện Kremlin đồng ý, đây sẽ là cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Nga - NATO sau hơn 2 năm “đóng băng” quan hệ.
Trước đó, giữa lúc tình hình ở biên giới Nga - Ukraine gia tăng đến mức đáng lo ngại khi hai bên liên tục cáo buộc nhau huy động lực lượng và vũ khí, Nga đã lần đầu tiên công bố dự thảo hiệp ước an ninh gồm 8 đề xuất với NATO.
Theo Hãng tin Reuters, Mátxcơva yêu cầu NATO cam kết không mở rộng về phía Đông, bao gồm không kết nạp Ukraine và thêm các nước khác. Cụ thể, Nga yêu cầu NATO không được triển khai binh lính hoặc vũ khí tới bất cứ quốc gia nào gia nhập NATO sau năm 1997, tức toàn bộ quốc gia ở phía Đông của liên minh quân sự này, mà không có sự đồng ý của Mátxcơva. NATO cũng không được tiến hành các hoạt động quân sự ở Ukraine, Đông Âu, vùng Nam Caucasus và Trung Á. Ngoài ra, Mátxcơva và NATO phải hạn chế triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn... Cuối cùng, dự thảo kêu gọi hủy bỏ quyết định năm 2008 của NATO về kết nạp Ukraine và Gruzia. Mátxcơva cho rằng, hiệp ước này sẽ vạch ra những nguyên tắc về an ninh bình đẳng giữa hai bên và tránh đe dọa lẫn nhau.
Mới đây nhất, ngày 26-12, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã cảnh báo sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu đưa Phần Lan và Thụy Điển vào tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Rossiya 1 của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh, phản ứng của Nga trước việc NATO mở rộng về phía Đông có thể khác nhau. Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin cũng cho biết, Nga sẽ đưa ra cho Mỹ và NATO những bảo đảm an ninh chiến lược để đạt được một kết quả đàm phán ngoại giao, có sự củng cố về mặt pháp lý.
Theo các nhà bình luận, trong bối cảnh quan điểm giữa hai bên có khoảng cách lớn như hiện nay, cuộc đối thoại sắp tới giữa Nga và NATO sẽ vấp phải không ít khó khăn. Các quan chức NATO không ít lần khẳng định quan điểm, khối này đang duy trì một “chính sách mở cửa”, có nghĩa là Ukraine và các quốc gia khác đều được tự do gia nhập nếu đáp ứng các tiêu chí nhất định. Ông Andrew Marshall, Phó Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng, Nga đang muốn đảo chiều cán cân chiến lược ở châu Âu và muốn một trật tự mà trong đó Mátxcơva đóng vai trò quyết định. Theo ông Marshall, kết quả của mối bất đồng giữa Nga và NATO có thể trở thành yếu tố quyết định viết lại các giới hạn an ninh trên lục địa châu Âu trong cả một thế hệ.
Trên thực tế, thời gian qua, cả NATO và Nga đều đẩy mạnh việc thiết lập vùng đệm ở biên giới của nhau bằng cách tăng cường hợp tác với các nước liên quan. Trong khi NATO gia tăng hỗ trợ và thúc đẩy kết nạp Ukraine vào khối này, hành động mà Nga xem là “lằn ranh đỏ”, Nga lại có động thái nhằm thắt chặt quan hệ quốc phòng với Belarus.
Mặc dù những động thái này của cả hai bên gây nhiều lo ngại nhưng cả Nga và NATO đều không muốn đi đến một cuộc xung đột mà hậu quả có thể mở rộng ra quy mô toàn cầu. Điều này đe dọa không chỉ lợi ích và an ninh của Nga mà còn cả các thành viên NATO trong khu vực châu Âu. Chính vì thế, các nhà bình luận cho rằng, đây là thời điểm cần phải có các hoạt động ngoại giao thận trọng và chính xác để giảm thiểu mọi nguy cơ gây tổn hại đến hòa bình thế giới.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1021140/nga---nato-co-hoi-thao-go-bat-dong