Nga nên hay không nên gia nhập G8?

Các nhà nghiên cứu chính trị cho biết phương Tây chưa sẵn sàng thay đổi thái độ đối với Nga, điều này đã được xác nhận bởi các tuyên bố mới nhất của Liên minh châu Âu. Về phần mình, dường như Nga vẫn cảm thấy có lợi khi đứng ngoài khuôn khổ của G7.

Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh G7, một phát ngôn viên của EU đã tuyên bố rằng mời Nga tham gia G7 trước khi những lý do dẫn đến việc khai trừ Nga ra khỏi tổ chức này bị loại bỏ là "dấu hiệu của sự yếu kém".

Theo ông Vladimir Bruter, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính trị và nhân đạo quốc tế, tuyên bố của EU chứng minh rằng các quan chức châu Âu nói chung chưa sẵn sàng thay đổi thái độ đối với Moscow và không chỉ về vấn đề tái kết nạp hay không tái kết nạp nước Nga vào G8.

 Trước đây từng tồn tại tổ chức G8

Trước đây từng tồn tại tổ chức G8

Về phần mình, Chủ tịch Viện Phân tích Tầm nhìn & Xu hướng Toàn cầu, Tiberio Graziani (Ý), tin rằng chính ý tưởng quay trở lại định dạng G8 là nhằm hạn chế Nga trong quan hệ song phương với các quốc gia khác.

Nhà nghiên cứu chính trị lưu ý rằng ngoài khuôn khổ của G8, Nga đã duy trì cách tiếp cận thực tế và đặc biệt là cải thiện quan hệ với một số quốc gia châu Âu và Nhật Bản.

Tokyo có thể chính thức hỗ trợ Nga tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2020, Hosei Nobuo Shimotomai, một chuyên gia về Nga từ Đại học Tokyo, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Nga RIA Novosti.

Shimotomai không loại trừ rằng lời mời Tổng thống Vladimir Putin tới hội nghị thượng đỉnh có thể được thảo luận một phần giống như trong cuộc họp của G7 tại Nhật Bản năm 2016.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đã cam kết về sự hỗ trợ của ông trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky và nhấn mạnh rằng Nga phải ngừng "các hoạt động gây bất ổn" thì định dạng G8 mới có thể tiếp tục được thiết lập.

Lấy ví dụ về "các hoạt động gây bất ổn", ông Boris Johnson chỉ ra cuộc xung đột đang tiếp tục diễn ra ở miền Đông Ukraine và sự kiện đầu độc điệp viên ở Salisbury năm 2018.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý với đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tiếp theo vào năm 2020 tại Hoa Kỳ. Trump dự kiến sẽ giải quyết vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz từ ngày 24-26/8.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga coi bất kỳ liên hệ nào với các nước G7 đều hữu ích và không loại trừ việc nối lại định dạng G8, tuy nhiên, “đó không phải là mục đích tối thượng của Nga”, ông Putin khẳng định.

Người phát ngôn của nhà lãnh đạo Nga, ông Dmitry Peskov nói thêm rằng ngày nay sẽ không có hiệu quả khi thảo luận về các vấn đề thế giới toàn cầu nếu không có sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ và một nhóm các quốc gia khác, và về mặt này, định dạng G20 trông có vẻ thuận lợi hơn nhiều so với G7.

Bá Thủy (Theo RT)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nga-nen-hay-khong-nen-gia-nhap-g8-547383.html