Nga nêu điều kiện không triển khai tên lửa bị cấm trong INF ở châu Âu
INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Sputnik đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này không có kế hoạch triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu hoặc các khu vực khác trên thế giới cho đến khi các vũ khí như vậy của Mỹ xuất hiện ở những địa điểm đó.
Tuyên bố của bộ trên nêu rõ: "Nga đã không thử nghiệm và không giống như Mỹ có các tên lửa tầm trung và tầm ngắn đang hoạt động. Ngoài ra, Nga không có kế hoạch triển khai các tên lửa như vậy ở châu Âu hoặc các khu vực khác trên thế giới, cho đến khi các vũ khí do Mỹ sản xuất xuất hiện ở đó."
Bộ trên đã đưa ra bình luận để đáp trả phát biểu của Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg về tên lửa của Nga.
Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn Euronews, ông Stoltenber nói rằng trong bối cảnh chấm dứt Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Nga bị tố triển khai các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở châu Âu.
INF được Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500km).
Tuy nhiên, Mỹ và Nga đã nhiều lần chỉ trích lẫn nhau vi phạm thỏa thuận. Hồi tháng Tám vừa qua, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF, dẫn tới Nga cũng đình chỉ hiệp ước.
Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Mỹ cũng đã ra thời hạn hai tháng để Moskva "quay lại tuân thủ điều khoản thỏa thuận."
Cụ thể, Mỹ đòi Nga hủy bỏ tên lửa 9M729 (SSC-8) mà phía Mỹ cho rằng có tầm xa hoạt động vi phạm quy định của Hiệp ước INF./.