Nga: Nếu muốn Moscow quay trở lại New START thì cách tiếp cận phải thay đổi
Người phát ngôn điện Kremlin, Nga hôm qua (27/2) nêu điều kiện để Nga quay trở lại Hiệp ước New START, vốn đã bị đình chỉ cách đây ít ngày. Điều kiện mà Nga đưa ra không phải là mới song có tính chất quyết định việc Nga có quay trở lại hay không.
Phát biểu trước báo giới hôm qua, Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, để trở lại chủ đề Nga tham gia Hiệp ước New START, cách tiếp cận của các quốc gia phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, phải thay đổi. Cụ thể, theo ông Dmitry Peskov, Nga sẽ chỉ tiếp tục tham gia hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân START mới với Mỹ, chừng nào mà Mỹ lắng nghe quan điểm của Nga.
“Tất nhiên, các điều kiện về Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân bằng cách nào đó phải thay đổi, cách tiếp cận khái niệm của các quốc gia phương Tây, dẫn đầu là Mỹ cũng phải thay đổi. Nghĩa là, an ninh của một quốc gia không thể được đảm bảo bằng việc đánh đổi an ninh của một quốc gia khác.
Dù không giải thích rõ, việc Mỹ lắng nghe quan điểm của Nga ở đây là như thế nào song người phát ngôn điện Kremlin đã kịch liệt chỉ trích việc Mỹ và phương Tây không ngừng cấp vũ khí cho Ukraine. Ông Dmitry Peskov cũng nhấn mạnh rằng, bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine, các nước phương Tây không còn là một đối thủ có điều kiện, mà trở thành đối địch của Nga.
Tuyên bố của Nga đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Nga hôm 22/2 vừa qua đã thông qua dự luật về việc đình chỉ Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START mói), ngay sau đề xuất của Tổng thống Putin. Việc Nga tạm ngừng tham gia Hiệp ước New START giữa lúc xung đột ở Ukraine vẫn đang leo thang làm dấy lên lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, các quan chức Nga nhiều lần khẳng định Nga sẽ không dùng vũ khí hủy diệt này trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhà chức trách Nga cũng không ít lần khẳng định, quyết định đình chỉ Hiệp ước New START của Nga là có thể đảo ngược.
Thông điệp này đã được Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh trong bài Thông điệp Liên bang và tiếp tục được thứ trưởng ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tái khẳng định trong cuộc họp báo gần đây nhất:
“Đối thoại với các đồng nghiệp Mỹ về chủ đề Hiệp ước New START sẽ không dừng lại trong toàn bộ các giải đoạn kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu. Chúng tôi - nước Nga rất rõ ràng về quan điểm và cũng nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề và cam kết bảo vệ và tuân thủ các điều kiện của hiệp ước”.
Hiện Mỹ và các nước phương Tây vẫn chưa đưa ra bình luận nào về tuyên bố mới nhất của Nga. Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây cho đến nay vẫn không ngừng kêu gọi và hi vọng Nga sớm nối lại Hiệp ước New START. Phát biểu tại hội nghị giải trừ vũ khí của Liên Hợp Quốc diễn ra hôm qua ở Geneva, Thụy Sỹ, giới chức Mỹ, Pháp và Đức tiếp tục đưa ra lời kêu gọi này.
Tại hội nghị, Đại diện Mỹ - Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, Bộ Ngoại giao Bonnie Denise Jenkins nêu rõ: “Chỉ một vài ngày trước đây, Tổng thống Putin đã tuyên bố, Nga đơn phương đình chỉ thực thi hiệp ước. Nga một lần nữa cho thế giới thấy, Nga chưa phải là một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm. Chúng ta giờ đang phải đối mặt với một môi trường an ninh đầy bất ổn có thể khiến chúng ta rời xa các hoạt động tập thể, nếu chúng ta cứ để tình hình như vậy”.
Khẳng định của Mỹ và các nước đồng minh cho thấy, các nước này hiểu rõ tầm quan trọng của Hiệp ước New START cũng như việc một bên của hiệp ước đình chỉ hoặc rút khỏi hiệp ước này có tầm ảnh hưởng lớn như thế nào đối với an ninh chung và hòa bình của thế giới.
START mới là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước được ký kết năm 2010 nhằm hạn chế kho vũ khí của hai nước ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân, giảm gần 30% so với mức đặt ra hồi năm 2002. Nga và Mỹ được thực hiện tối đa 20 lần thanh sát lẫn nhau trong khuôn khổ START mới. Hiệp ước này cũng là nỗ lực chung của cả Nga và Mỹ trong nhiều năm nhằm duy trì lòng tin chiến lược giữa hai siêu cường quân sự hàng đầu thế giới này./.