Chiến đấu cơ JF-17 do liên doanh Trung Quốc và Pakistan sản xuất nổi tiếng vì có giá thành rẻ, các phiên bản trước đây thường chỉ có giá dao động từ 27-30 triệu USD/chiếc, tức chỉ tương đương với xe tăng chiến đấu AMX-56 của Pháp.
Loại chiến đấu cơ này phát triển trên nền tảng của MiG-21, được đánh giá hiệu năng thua kém hoàn toàn các đối thủ cùng loại như MiG-29 của Nga, F-16 của Mỹ và JAS-39 của Thụy Điển.
Dù không được coi trọng về hiệu suất chiến đấu, nhưng bù lại giá thành chỉ dao động ở mức 30 triệu USD khiến cho loại chiến đấu cơ này được nhiều quốc gia nhắm tới.
Pakistan đã trang bị hàng trăm chiếc JF-17 trong khi đó Myanmar cũng trang bị 16 chiếc JF-17.
Nổi tiếng vì là dòng chiến đấu cơ giá rẻ, nhưng đến phiên bản JF-17 Block III giá thành của chúng đã tăng chóng mặt lên mức 55 triệu USD/chiếc.
Với giá này, JF-17 BLock III đã nhỉnh hơn cả MiG-29 và vượt xa mức 30 triệu USD dự kiến của dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Nga là Su-75.
Đơn giá mới nhất này nằm trong thương vụ với Argentina. Được biết, khoản ngân sách 664 triệu USD đã được trình lên Quốc hội Argentina vào ngày 17/9/2021 để mua 12 máy bay chiến đấu JF-17 Block III
Phiên bản JF-17 Block III mới được phát triển thành công và chúng vẫn chưa được sản xuất loạt do chưa có khách hàng đặt mua.
Điểm nội bật của phiên bản mới nhất này là việc được trang bị radar mảng pha chủ động (AESA) giúp nâng cao hiệu năng phát hiện và điều khiển vũ khí tiêu diệt mục tiêu
Loại radar AESA do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) chế tạo này có mã định danh là LKF601E, nó có trọng lượng rất nhẹ chỉ 145 kg, dễ dàng gắn kết cho JF-17 Block cũng như nhiều chủng loại chiến đấu cơ khác.
Ngoài ra khung thân cũng được tăng cường gia cố tốt hơn, trong khi động cơ thì vẫn không thay đổi.
Joint Fighter-17 (JF-17) Thunder còn được gọi với tên Fighter China-1 (FC-1) Kiêu Long ở Trung Quốc, là một máy bay tiêm kích đa vai trò một chỗ ngồi.
Máy bay có chuyến bay đầu tiên vào tháng 8-2003, được giới thiệu ra mắt vào tháng 3-2017.
JF-17 sử dụng động cơ RD-93 do Nga sản xuất, Trung Quốc cũng tiến hành nghiên cứu và sản xuất động cơ WS-13, tuy nhiên nó bị đánh giá là thiếu tính ổn định và Bắc Kinh sẽ vẫn phải dùng đến động cơ của Nga.
Về hệ thống vũ khí thì JF-17 được trang bị 7 giá treo vũ khí có thể mang theo tối đa 3,4 tấn vũ khí bao gồm các loại tên lửa không đối không và đối hạm.
Các loại tên lửa được trang bị bao gồm PL-5, PL-9C, PL-12 và AIM-9, tên lửa chống hạm C-802A do Trung Quốc chế tạo và một số loại bom các loại.
Bên cạnh đó, nó còn được trang bị một pháo tự động nòng đôi GSh-23-2 23mm hoặc một pháo nòng đôi GSh-30-2 30mm.
JF-17 được trang bị radar có thể theo dõi 10 mục tiêu cùng lúc và tiêu diệt đồng thời 2 mục tiêu. Tầm phát hiện mục tiêu phía trước máy bay là trên 75km và phía sau là 35km, phát hiện mục tiêu trên biển cách 135km.
Hiện Trung Quốc đảm nhiệm việc sản xuất hệ thống điện tử hàng không cũng như nhiều công nghệ quan trọng khác cho chiếc JF-17. Trong khi đó, Pakistan chịu trách nhiệm sản xuất 58% thân máy bay và các hệ thống phụ trợ. Công việc lắp ráp JF-17 cũng được hoàn thành tại Pakistan.
Việt Hùng