'Ngã ngửa' với 'cú lừa thế kỷ' của hãng truyền thông nổi tiếng thế giới
Hãng tin BBC của Anh đã thực hiện cú lừa ngoạn mục nhất mọi thời đại. Trò đùa đáng tin tới mức rất nhiều người tin là nó có thật.
Đánh dấu ngày Nói dối bắt đầu được áp dụng rộng rãi hàng năm ở Anh kể từ 1/4/1700, Chương trình những vấn đề nóng bỏng của thời đại - Panorama của BBC phát một đoạn video kéo dài 3 phút, kể về một gia đình ở nam Thụy Sĩ đang thu hoạch mỳ spaghetti từ cây spaghetti, rồi phơi nắng cho khô.
Người dẫn chương trình Richard Dimbleby còn nhấn mạnh rằng, vụ mùa spaghetti năm nay bội thu do kẻ thù lớn nhất của cây spaghetti là bọ đầu dài spaghetti đã bị tiêu diệt gần như hoàn toàn.
Dù địa điểm của trang trại là ở Thụy sĩ, thay vì quê hương của món spaghetti là Italia, và video được công bố vào đúng ngày Nói dối, vẫn có hàng trăm người tin rằng cây spaghetti là có thật. Ngay cả Sir Ian Jacob, Tổng giám đốc của BBC, vào thời điểm đó cũng tin nó là thật. Nhà lãnh đạo này đã phải tìm hiểu về spaghetti trong ba cuốn sách rồi mới nhận thấy cây spaghetti là không có thật.
Sau khi đoạn phim được đăng tải, hàng trăm người đã gọi điện tới BBC, bày tỏ sự ngạc nhiên về đoạn video, đồng thời đưa ra câu hỏi liệu họ có thể mua loại cây này và để tự trồng mỳ ở nhà được không.
Điều đáng chú ý là, đoạn phim đánh lừa trên được đăng tải vào thời điểm món ăn nổi tiếng của Italia vẫn chưa phổ biến rộng rãi ở Anh và nhiều người dân nước này không biết, đó là món mì được làm từ bột mỳ và nước.
Cuối cùng, BBC cũng thừa nhận đoạn phim trên chỉ là trò đùa, khiến người xem ở khắp nơi rất thất vọng. Dù vậy, nhiều thập niên sau đó, hãng truyền thông CNN của Mỹ vẫn gọi đó là cú lừa lớn nhất mọi thời đại mà một hãng tin có uy tín từng thực hiện.
Theo trang Bảo tàng những trò chơi khăm, ý tưởng tạo nên video nói dối này xuất phát từ nhà quay phim Charles de Jaegaer, một người Áo. Được biết, khi còn đi học, giáo viên của Jaegaer thường nói các học sinh của ông dốt tới mức nếu ông nói mỳ spaghetti mọc trên cây thì họ cũng tin.