Bất chấp cảnh báo từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết định đặt mua hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf thứ hai từ Nga và mới đây Moskva cho biết họ đang chuẩn bị giao hàng.
Mặc dù vậy một diễn biến đầy bất ngờ đã tới, khi Nga thông báo họ buộc phải hoãn việc bàn giao khẩu đội S-400 tiếp theo cho Thổ Nhĩ Kỳ, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng nói trên?
Theo giải thích, vướng mắc phát sinh khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu loại bỏ điều khoản cấm bán lại hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf cho nước thứ ba khỏi hợp đồng đã được hai bên ký kết và thống nhất trước đó.
Tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Aydinlik cho biết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này - Đại tướng Hulusi Akar đang trì hoãn việc ký kết văn kiện cuối cùng, thực tế trên cũng khiến Nga tạm thời đình chỉ việc bàn giao.
Trước đó đã xuất hiện không ít ý kiến lo ngại trong nội bộ nước Nga về việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhượng lại hệ thống phòng không S-400 cho Mỹ để đổi lấy "phần thưởng" là được quay lại chương trình sản xuất tiêm kích tàng hình F-35.
Ngoài ra Thổ Nhĩ Kỳ còn là đối tác cung cấp rất nhiều vũ khí cho Ukraine, rõ ràng Nga có lý do lo ngại các hệ thống S-400 sẽ được dùng để chống lại chính mình nếu Ankara giao cho Kyiv dưới sức ép từ Mỹ.
Trước phản ứng từ phía Nga, tờ Aydinlik đã nhắc nhở rằng điều khoản cấm chuyển giao vũ khí cho các nước thứ ba là một thông lệ thế giới, theo đúng tiêu chuẩn hiện hành, vì vậy đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ rất khó được thông qua.
"Điều khoản mà Ankara muốn loại bỏ là thông lệ của các hợp đồng mua sắm sản phẩm quốc phòng trên toàn thế giới. Không một quốc gia sản xuất nào muốn hệ thống vũ khí của mình được bán cho nước thứ ba một cách tự do, thiếu kiểm soát".
"Ví dụ điển hình chính là Thổ Nhĩ Kỳ không thể gửi bất cứ một bộ phận nào của tiêm kích F-5 (mà nước này đã loại biên) đang nằm trong kho bảo quản đến một quốc gia châu Phi mà thiếu sự đồng ý từ Washington Mỹ", tờ Aydınlık nói rõ.
Nếu hai bên không thống nhất và thương vụ mua sắm bị hủy bỏ, ngoài việc không nhận được vũ khí tối tân, yêu cầu thay đổi hợp đồng của Thổ Nhĩ Kỳ còn dẫn tới việc nước này bị tước cơ hội tiếp cận công nghệ của Nga.
Hợp đồng mua sắm hệ thống S-400 thứ hai không chỉ là chuyển giao đơn thuần mà còn bao gồm việc sản xuất chung một số bộ phận, cũng như phát triển và tích hợp phần mềm với sự tham gia của các chuyên gia người Thổ Nhĩ Kỳ.
"Khi tưởng như tiếp cận được những bí quyết quan trọng của công nghệ quân sự Nga thì lại có một vướng mắc cần giải quyết. Văn bản chấp thuận hiện vẫn đang chờ trên bàn Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar", tờ Aydinlik nói thêm.
Truyền thông tại Ankara cho rằng còn quá sớm khi ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng nước này không cần S-400 hay S-300 của Nga nữa.
Bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa phòng không nội địa Siper vào tháng 12/2021, tính năng của S-400 Triumf vẫn được đánh giá cao hơn rất nhiều.
"Hệ thống tên lửa phòng không Siper đầu tiên dự kiến sẽ được đưa vào thành phần tác chiến của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2023. Tổ hợp này đã bắn hạ thành công mục tiêu cách xa 100 km trong quá trình thử nghiệm".
"Tuy nhiên cần nhắc lại rằng tầm bắn của S-400 lên tới 400 km (250 km đối với bản xuất khẩu), gấp đôi Patriot 'nổi danh' của Mỹ", tờ Aydinlik kết luận.