Công ty Uraltransmash hôm 13/10 cho biết, họ chuẩn bị bàn giao lô siêu pháo 2S7M Malka mới nâng cấp cho quân đội Nga.
2S7M Malka là biến thể nâng cấp từ dòng pháo tự hành 2S7 Pion, ở biến thể này Nga đã tập trung vào hệ thống điều khiển hỏa lực cũng như nâng cấp động cơ để đạt hiệu suất tốt hơn.
Rất có thể sau khi đưa vào trang bị, số pháo 2S7M Malka mới này sẽ được Nga tăng cường cho chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra tại Ukraine.
Pháo tự hành 2S7M Malka hiện là loại pháo có cỡ nòng lớn nhất hiện nay trên chiến trương Ukraine. Moscow đã quyết định điều loại vũ khí này với số lượng lớn cho chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra.
Truyền thông Nga cho biết, pháo 2S7M Malka đã thể hiện hiệu suất rất tốt trong chiến dịch quân sự đang diễn ra.
Với sức hủy diệt mạnh mẽ do cỡ đạn lớn, tầm bắn xa, pháo tự hành 2S7M Malka đã khiến cho Ukraine nhiều thiệt hại.
"Pháo binh của lực lượng vũ trang Nga tiếp tục tấn công các vị trí, cứ điểm và khu vực tập kết thiết bị quân sự của Ukraine. Các tổ hợp pháo tự hành 2S7M Malka cũng tham gia tấn công trận địa pháo của lực lượng Ukraine", Bộ Quốc phòng Nga từng cho biết vào hồi tháng 5/2022.
Video được công bố cho thấy các quân nhân điều khiển tổ hợp pháo tự hành hạng nặng 2S7M Malka vào vị trí, nạp đạn và khai hỏa vào trận địa pháo 2S7 Pion và lựu pháo D-30 122 mm của Ukraine.
Cũng như Ukraine, Nga sử dụng các loại máy bay không người lái (UAV) để chỉ thị mục tiêu cho các đơn vị pháo binh.
Khi có tọa độ chính xác, các loại pháo đồng loạt khai hỏa, bắn cấp tập vào đối phương, sau đó rút lui để tránh phản pháo.
Tại chiến trường Ukraine, pháo tự hành cỡ nòng 203mm này được cả phía Nga và Ukraine sử dụng. Trong khi Kiev sử dụng biến thể 2S7 Pion thì Moscow sử dụng biến thể hiện đại 2S7M Malka.
Tuy sở hữu khoảng 100 khẩu 2S7 Pion, nhưng phía Ukraine lại thiếu thốn nguồn cung đạn dược dùng cho pháo này, nên chúng không mấy phát huy hiệu quả.
Liên Xô là cái nôi sản sinh ra các siêu vũ khí cực mạnh và pháo tự hành 2S7 Pion là một trong số đó.
Cho đến thời điểm hiện tại đây vẫn là một trong những khẩu pháo mạnh nhất thế giới khi có khả năng bắn đạn hạt nhân.
Liên Xô bắt đầu nghiên cứu sản xuất loại pháo này từ những năm 1970. Đây là hệ thống pháo chiến lược được sản xuất quy mô tới hơn một ngàn khẩu.
Sau khi phát triển thành công, Liên Xô đặt kỳ vọng đây sẽ là loại vũ khí tạo ra bước ngoặt trên chiến trường.
Đã có lúc người ta cho rằng thời của pháo binh đã hết, thay thế vào đó là các loại tên lửa tấn công.
Tuy nhiên thực tế các chiến trường gần đây như Syria, Lybia và hiện tại là Ukraine đều cho thấy tầm quan trọng của pháo binh.
Dùng pháo binh vẫn tạo ra hiệu quả tác chiến đáng sợ cho đối phương trong khi vẫn bảo đảm tính kinh tế rẻ hơn nhiều so với dùng tên lửa.
Chi phí cho một quả tên lửa có thể gấp vài chục lần so với một quả đạn pháo, việc dội một số lượng đạn pháo lớn vào mục tiêu cùng lúc sẽ tạo ra sức hủy diệt và gây tâm lý hoảng loạn cho đối phương.
Pháo tự hành 2S7 Pion sử dụng khung gầm bánh xích đặc biệt được phát triển riêng. Xe được trang bị động cơ diesel 750 mã lực đạt tốc độ 51km/h, tầm hoạt động 500km.
Để đề phòng trường hợp động cơ chính hư hỏng, 2S7 Pion có thêm hệ thống năng lượng phụ trợ công suất 24 mã lực dùng khi cần thiết.
2S7 Pion được trang bị pháo cỡ nòng tới 203mm, pháo đạt tốc độ bắn 3 phát/2 phút.
Với nòng pháo 203mm và hệ thống hỗ trợ nạp đạn, 2S7 Pion có thể bắn những viên đạn nổ mảnh nặng đến 110kg, chứa 17,8kg thuốc nổ đi xa đến 37,5km.
Với loại đạn tăng tầm nặng 103kg và chứa 13,8kg thuốc nổ, tầm bắn lên đến 47,5km.
Về kích thước, pháo tự hành 2S7 Pion có chiều dài thân 10,5m, rộng 3,38m, cao 3m, và nặng đến 46 tấn.
Kíp pháo thủ của 2S7 Pion lên tới 14 người, trong đó 7 người ngồi trên xe chiến đấu (gắn pháo) và 7 người ngồi trên xe hộ tống – tiếp đạn.
Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine và Nga đã được thừa hưởng một số lượng lớn loại pháo này.
Từ biến thể 2S7 Pion, Nga đã nâng cấp lên chuẩn 2S7M Malka để nâng cao hiệu suất chiến đấu.
Cụ thể, những cải tiến đáng kể trên phiên bản 2S7M Malka bao gồm tích hợp động cơ mạnh mẽ, khung xe hiện đại, các thiết bị điện tử mới hơn với hệ thống chỉ thị mục tiêu điện tử và nhận dữ liệu tự động.
Ngoài ra thời gian chuyển từ chế độ hành quân sang chiến đấu của 2S7M Malka giảm từ 10 xuống 7 phút.
Cơ số đạn tăng từ 4 viên lên 8 viên, cơ cấu nạp đạn mới cho phép nạp đạn khi nòng pháo ở bất cứ vị trí nào.
Cải tiến trên cho phép tăng tốc độ bắn của pháo tự hành 2S7M Malka lên tới 2,5 viên mỗi phút, thay vì chỉ 1,5 viên mỗi phút như trên biến thể cơ bản 2S7 Pion.
Nga hiện đã nâng cấp đươc khoảng 150 khẩu lên chuẩn 2S7M Malka trong tổng số 500 khẩu 2S7 Pion họ đang sở hữu.
Việt Hùng