Nga nỗ lực hồi sinh các thương hiệu thời Xô viết, nhưng không dễ
Trong nỗ lực đẩy mạnh sản xuất nội địa, giảm thiểu hàng hóa nhập khẩu, Nga đang tiến hành hồi sinh nhiều thương hiệu mang tính biểu tượng thời Xô viết, trong đó bao gồm xe đạp Kama và ô tô Moskvich.
Hồi sinh của các thương hiệu thời Xô viết
Tại thành phố Perm, nhà máy Forward đã bắt đầu cho sản xuất các phiên bản mới của mẫu xe đạp Kama, từng một thời rất thịnh hành tại Liên Xô trong những năm 1970-1980, trước khi bị ngừng sản xuất vào đầu thập niên 1990.
Vào năm 1980, mỗi chiếc xe Kama có giá 98 rúp – khoảng một nửa mức lương trung bình hàng tháng của người dân Liên Xô khi đó.
“Không phải ai cũng có một chiếc xe đạp Kama, nhưng nó là mơ ước của tất cả mọi người”, Giám đốc thương mại của Forward – ông Alexei Boyaryshnikov chia sẻ với Reuters.
Giờ đây, những chiếc xe mang thương hiệu Kama một lần nữa lại xuất hiện trên thị trường và được kỳ vọng sẽ thu hút sự chú ý của những người ưa thích sưu tầm những mẫu xe cổ điển.
Nhà máy Forward dự kiến sẽ sản xuất khoảng 3.000 chiếc xe đạp Kama trong năm nay và bán tại các thị trường Nga và Belarus với mức giá tối đa là 12.700 rúp (khoảng 172 đô la).
Kama không phải là thương hiệu thời Xô viết duy nhất được hồi sinh. Hồi tháng 11 năm ngoái Nga cũng bắt đầu sản xuất ô tô thương hiệu Moskvich tại một nhà máy ở gần Moscow mà Renault của Pháp để lại. Moskvich từng là một thương hiệu ô tô lớn tại Liên Xô, nhưng đã sa sút nghiêm trọng vào thập niên 1990 và biến mất hoàn toàn khỏi thị trường vào đầu những năm 2000.
Việc hồi sinh Kama hay Moskvich là một phần trong các nỗ lực của Chính phủ Nga nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nội địa, thay thế cho những thương hiệu phương Tây đã lần lượt rời khỏi Nga sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát.
Người Nga có sẵn sàng ủng hộ các thương hiệu cũ?
Trong bối cảnh vắng bóng các thương hiệu phương Tây, việc các doanh nghiệp Nga tận dụng hình ảnh của các thương hiệu nổi tiếng trong quá khứ có thể coi là một sự lựa chọn không tồi. Điều này sẽ giúp họ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhanh hơn, và khơi gợi tâm lý hoài cổ trong nhóm người lớn tuổi.
Hồi tháng 7 năm ngoái, hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đã công bố kết quả khảo sát được thực hiện bởi Đại học Tổng hợp Tài chính và Công nghiệp Moscow cho thấy, 83% số người được hỏi ủng hộ ý tưởng hồi sinh các thương hiệu của Liên Xô như ô tô Moskvich, Volga, Pobeda, tủ lạnh Orsk hay xe đạp Kama.
Những người ủng hộ tin rằng, sáng kiến này sẽ là một cách hiệu quả để thúc đẩy nền kinh tế, giúp thay thế dần hàng nhập khẩu (36%), hỗ trợ các công ty quốc doanh (29%), ngăn chặn tình trạng thiếu hụt hàng hóa (22%) và cung cấp sản phẩm với giá cả phải chăng (13%).
Cũng theo khảo sát, những người được hỏi đề xuất khôi phục các nhãn hiệu ô tô cũ (26%), thực phẩm và đồ uống (21%), quần áo và giày dép (15%), nước hoa và sản phẩm tẩy rửa (8,0%), thiết bị và điện tử (6,0%) và máy bay (3,0%). Bên cạnh đó, 9% số người được hỏi đề xuất mở rộng sáng kiến cho tất cả các ngành của nền kinh tế quốc dân.
Trả lời phỏng vấn AP, bà Tatyana – một người dân Moscow cho biết, “Tôi đã lớn lên cùng với các thương hiệu dưới thời Xô viết. Chúng tôi đã từng chạy xe đạp Kama. Tôi cảm thấy rất vui và ủng hộ các nhà sản xuất”.
Dẫu vậy, không ít người vẫn tỏ ra hoài nghi về ý tưởng này và cho rằng việc xây dựng các thương hiệu mới sẽ hiệu quả hơn là làm sống lại những thương hiệu đã từng thất bại trong quá khứ. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng cũng có ấn tượng không mấy tích cực với các sản phẩm nội địa. “Cho dù ai nói gì, tôi vẫn sẽ lựa chọn những loại ô tô sản xuất ở nước ngoài. Bởi vì đã có không ít lần tôi chứng kiến những chiếc xe sản xuất nội địa hoạt động không tốt”, anh Dmitry Vilkomirsky, một người dân Moscow chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Dmitry Potapenko cho rằng, mặc dù các kết quả khảo sát cho thấy thái độ tích cực của người dân trước việc hồi sinh các thương hiệu dưới thời Xô viết, đó mới chỉ là biểu hiện của tâm lý hoài cổ, chứ không phải là sự sẵn sàng ủng hộ bằng hành động tiêu dùng thực tế.
Ngay cả khi các sản phẩm mang thương hiệu truyền thống có thể khơi gợi ký ức của một số người, chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố then chốt để thu hút người tiêu dùng Nga. Ông Sergei – một người tiêu dùng tại Moscow cho rằng bản thân các thương hiệu thời Xô viết không phải là điều tích cực hay tiêu cực. Vấn đề quan trọng là các nhà máy nội địa đã tiến hành sản xuất. Sẽ có vấn đề nếu nhà sản xuất chỉ chú trọng tới cái mác thương hiệu, mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm.
Những thách thức với các nhà sản xuất Nga
Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm là điều không hề dễ dàng đối với các doanh nghiệp Nga vốn chưa có nhiều thời gian để chuẩn bị cho việc lấp đầy lỗ hổng mà các doanh nghiệp phương Tây để lại trên thị trường nội địa.
Với trường hợp của nhà máy Forward, việc sản xuất những chiếc xe đạp Kama cần đến rất nhiều linh kiện có nguồn gốc tại cả Nga và nước ngoài. Và trong bối cảnh nền kinh tế Nga vẫn đang đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt từ phương Tây, tình hình trở nên hết sức khó khăn.
Bên cạnh đó, năng lực của các nhà sản xuất Nga cũng còn hạn chế. Theo Reuters, trong khi việc phát triển các mẫu xe Kama vẫn được thực hiện ở nhà máy tại Perm, việc hàn và sơn hầu hết khung xe đạp lại được thực hiện tại một số nhà máy chuyên biệt ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Tình hình khó khăn cũng diễn ra với thương hiệu ô tô Moskvich khi những chiếc xe mới được đánh giá là có thiết kế hầu như không giống với phiên bản tiền nhiệm thời Xô viết. Các chuyên gia đánh giá, xe Moskvich mới trông giống với chiếc crossover nhỏ gọn JAC JS4 của hãng ô tô JAC Trung Quốc, nhưng lại có mức giá cao hơn nhiều.
Chuyên gia kinh tế Dmitry Potapenko chỉ trích “Thật khó để nói về hoạt động sản xuất nội địa thực sự trong trường hợp này. Nó giống như dùng biển tên Moskvich gắn lên những chiếc xe được sản xuất với công nghệ Trung Quốc và bán với mức giá cao gấp đôi”. Đại diện của Moskvich không đưa ra bình luận nào về sự hợp tác giữa nhà máy Nga với nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Các số liệu thống kê mới được cơ quan phân tích Autostat của Nga công bố cho thấy, thị trường hiện vẫn tỏ ra không mấy mặn mà với những chiếc Moskvich mới. Cụ thể, trong tháng 12-2022, chỉ có 6 chiếc Moskvich chạy dầu diesel được bán ra. Con số này tăng lên 29 xe trong tháng 1-2023. Đối với ô tô điện, tính đến nay mới chỉ có 5 xe được bán.
Sự ảm đạm về doanh số diễn ra trong bối cảnh thị trường ô tô Nga dù yếu đi vì khó khăn kinh tế nhưng vẫn đang rất khát nguồn xe chất lượng cao. Theo Reuters, người tiêu dùng Nga hiện đang có xu hướng chuyển sang mua các mẫu xe đã qua sử dụng, với giá rẻ hơn và chất lượng tốt hơn, thay vì lựa chọn mua xe nội địa. Dữ liệu từ Autostat cho thấy, ô tô đã qua sử dụng chiếm gần ba phần tư tổng doanh số xe bán ra trong năm ngoái, tăng đáng kể so với mức 55% trong năm 2021.
Anh Anton – nhân viên tại một doanh nghiệp lớn của Nga, đã quyết định mua một chiếc Skoda đã qua sử dụng hồi tháng 12 năm ngoái, với giá 2,5 triệu rúp, đắt hơn khoảng 1 triệu rúp so với giá của năm 2021. Dù vậy, anh vẫn cảm thấy may mắn vì đã mua được xe và cho biết “vẫn sẽ ưu tiên một chiếc xe do phương Tây sản xuất hơn so với các sản phẩm nội địa hay xe Trung Quốc”.
Đây được coi là tín hiệu không mấy khả quan cho ngành sản xuất Nga, bởi nó cho thấy ngay cả khi các sản phẩm phương Tây đã dần vắng bóng, khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà của các thương hiệu nội địa, dù là “vang bóng một thời” như Moskvich cũng chưa được cải thiện hơn là bao. Đây sẽ là thách thức lớn mà các nhà sản xuất của Nga cần phải vượt qua, nếu không muốn một lần nữa thất bại như những thương hiệu thời Xô viết.
Nguồn: RIA Novosti, Reuters, AP News