Nga nỗ lực ngăn tình trạng gia tăng bệnh béo phì

Số người Nga mắc béo phì đã vượt quá 28 triệu người (khoảng 20% dân số). Trước lo ngại số người có nguy cơ mắc bệnh gia tăng, Nga đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thay đổi tình hình, trong đó có đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền.

Nhiều người Nga mắc béo phì. (Ảnh: RIA Novosti)

Nhiều người Nga mắc béo phì. (Ảnh: RIA Novosti)

Tình hình lo ngại

Maria Denisova đến từ Moskva bị béo phì cả đời. Ở tuổi 23, cô nặng gần 140kg. Maria cho biết, cô thường ăn rất nhiều khi đã quen với khẩu phần lớn và thức ăn ngon. Với cô, chế độ ăn kiêng khiến bản thân cảm thấy căng thẳng ghê gớm.

Do thừa cân, Maria thường xuyên cảm thấy bị xúc phạm. Cô chia sẻ không thể bình tĩnh đi bộ từ nhà đến ga tàu, khi dường như những ánh mắt chỉ trích đổ dồn vào mình. Sức khỏe cô sa sút.

Maria nhớ lại, khi đại dịch bắt đầu, cô đã mua một chiếc máy chạy bộ để ở nhà. Nhưng sau một vài bước, cô thấy khó thở. Maria cảm thấy hổ thẹn với bản thân và quyết định bắt đầu ăn uống điều độ, cũng như tập luyện thể thao.

Trong 3 năm, cô giảm được 63kg. Dù đã nỗ lực hết sức, song cô vẫn không thể đưa cân nặng về mức bình thường. Cô thừa nhận vẫn cảm thấy “như đang ở trong cơ thể người khác” và buộc phải tìm đến bác sĩ tâm lý.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), béo phì được xác định bằng chỉ số khối lượng cơ thể (Body Mass Index - BMI). BMI được tính dựa trên chiều cao và cân nặng theo công thức: BMI = (Cân nặng)/(Chiều cao x Chiều cao). Kết quả dưới 25 là bình thường. Từ 25 đến 29,9 là thừa cân và từ 30 trở lên được coi là béo phì.

Người Nga tập thể thao ở bờ sông. (Ảnh: THANH THỂ)

Người Nga tập thể thao ở bờ sông. (Ảnh: THANH THỂ)

RIA Novosti dựa trên số liệu của Cơ quan thống kê Nga cho biết, 62% dân số trưởng thành ở Nga gặp các vấn đề về thừa cân. Nhiều bác sĩ Nga nhận định, béo phì từ lâu có quy mô như dịch bệnh. Không ít người cố tình phớt lờ tình trạng cơ thể mình.

Bộ Y tế Nga cảnh báo, số lượng bệnh nhân béo phì tiếp tục tăng. Trong 11 năm qua, con số này đã tăng gấp đôi. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em cũng đang được quan tâm đặc biệt.

Nỗ lực ngăn chặn tình trạng thừa cân

Theo các chuyên gia, thừa cân làm gia tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim, ảnh hưởng xấu đến gan và thận, khiến xơ vữa động mạch phát triển, huyết áp tăng, tiểu đường và các bệnh khác. Béo phì cũng tăng nguy cơ tàn tật và rút ngắn tuổi thọ ít nhất từ 5 đến 10 năm.

Béo phì do khuynh hướng di truyền, các vấn đề nội tiết và rối loạn chuyển hóa, giảm hormone sinh dục ở tuổi già, thiếu vitamin và các chất khác. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, là do ăn quá nhiều và lối sống không lành mạnh.

Khảo sát của cơ quan thống kê Nga cho thấy, hơn nửa số người Nga cho rằng, họ tuân thủ lối sống lành mạnh. Dù vậy, chỉ 12% những người được hỏi ăn đủ lượng rau củ cần thiết để duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Bên cạnh đó, chỉ có 17% tích cực tập luyện thể thao.

Rèn luyện thể thao giúp ngăn ngừa béo phì. (Ảnh: THANH THỂ)

Rèn luyện thể thao giúp ngăn ngừa béo phì. (Ảnh: THANH THỂ)

Để ngăn chặn tình trạng thừa cân của người dân, Nga đã triển khai nhiều chương trình lớn, trong đó có “những ngày chống lại béo phì”. Từ năm 2021, tại các cơ sở y tế, chỉ số BMI của trẻ phải được nhập vào sổ ngoại trú và đưa vào hồ sơ bệnh án. Ngoài ra, cơ sở điều trị béo phì cũng được khai trương tại Trung tâm nghiên cứu y học quốc gia về nội tiết.

Dù vậy, theo các chuyên gia, những biện pháp này là chưa đủ. Nga vẫn cần thêm bác sĩ nội tiết, nhất là bác sĩ nhi. Các chuyên gia khuyến cáo, điểm then chốt trong cuộc chiến chống béo phì là phòng ngừa. Bên cạnh đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giáo dục cho người dân, cũng cần nâng cao ý thức xóa bỏ văn hóa ăn uống không lành mạnh trong mỗi gia đình.

Cũng theo giới chuyên gia, kinh nghiệm nước ngoài về việc dán nhãn sản phẩm tại các cửa hàng là rất đáng quan tâm và nghiên cứu.

THANH THỂ Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nga-no-luc-ngan-tinh-trang-gia-tang-benh-beo-phi-post738584.html