Nga nối lại đường ống dẫn khí, châu Âu vẫn chưa hết lo

Việc Nga nối lại nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tới châu Âu sau 10 ngày ngừng hoạt động giúp châu Âu tạm 'thở phào' sau những ngày lo sợ cao độ về một sự gián đoạn dòng chảy khí đốt kéo dài. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để chấm dứt hoàn toàn nỗi lo của châu Âu về nguy cơ thiếu khí đốt và phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông năm nay.

Nga nối lại nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 1 chạy qua Ukraine tới châu Âu. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, nguồn cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 (chạy dưới Biển Baltic đến Đức) đã bị tạm dừng để bảo trì vào ngày 11-7, nhưng ngay cả trước khi ngừng hoạt động, lượng khí đốt đã bị giảm xuống 40% công suất trong bối cảnh Nga và phương Tây căng thẳng vì cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Sau khi Nord Stream 1 hoạt động trở lại vào ngày 21-7, dòng chảy khí đốt vẫn ở mức 40% công suất của đường ống. Trước đó 1 ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng nguồn cung có thể giảm thêm, hoặc thậm chí là dừng chảy hoàn toàn do chất lượng của các linh kiện được đem đi bảo trì. Ông Putin cũng nói một số bộ phận khác của đường ống có thể cần phải được bảo trì.

Việc nguồn cung khí đốt qua Nord Stream được nối lại ở mức thấp hơn nhiều so với công suất đồng nghĩa rằng Đức - quốc gia có mức độ phụ thuộc rất lớn vào năng lượng Nga – và các nền kinh tế châu Âu khác sẽ tiếp tục trầy trật để tìm đủ khí đốt cho mùa đông này. Chủ tịch Cơ quan mạng lưới Đức, ông Klaus Mueller viết trên Twitter: “Về con số 60% còn thiếu và tình hình bất ổn chính trị, vẫn chưa có thông tin rõ ràng”. Lượng khí đốt qua các tuyến đường ống khác, chẳng hạn như Ukraine, cũng đã giảm kể từ khi Nga xung đột với Ukraine từ tháng 2.

Mục tiêu của EU là làm đầy 80% dự trữ khí đốt trước ngày 1-11. Nhưng đến hiện tại, dự trữ khí đốt của khối này mới đầy 2/3, và tốc độ làm đầy ngày càng chậm lại. Vì lý do này, cơ quan vận hành mạng lưới khí đốt của Đức cho biết Đức sẽ gặp khó trong việc đạt mục tiêu dự trữ khí đốt của mình là đạt 95% trước ngày 1-11. Berlin cũng nói sẽ triển khai thêm các biện pháp khác để tiết kiệm khí đốt. “Khả năng gián đoạn thêm nguồn cung khí đốt là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, vì Nga sẽ còn tăng sức ép kinh tế và chính trị lên châu Âu khi mùa đông đến gần”, nhà phân tích Penny Leake của Wood Mackenzie nhận định. Thậm chí, ông Peter McNally, một nhà phân tích tại công ty Third Bridge, cho biết: “Ngay cả khi lượng khí đốt được chuyển đầy đủ, tình hình khí đốt tự nhiên của châu Âu vẫn rất nghiêm trọng”.

Để cố gắng ngăn chặn tình trạng khan hiếm nguồn cung khí đốt vào mùa đông, Ủy ban châu Âu đã đề xuất mục tiêu tự nguyện cho tất cả các quốc gia EU là cắt giảm 15% sử dụng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau so với mức sử dụng trong cùng giai đoạn 2016-2021. Đề xuất của Ủy ban này sẽ cho phép EU yêu cầu các thành viên bắt buộc thực hiện mục tiêu trên trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung.

Một số quốc gia phía nam EU phản đối kế hoạch này. Kế hoạch cần được đa số nước trong khối 27 quốc gia ủng hộ thì mới được thực hiện. Bồ Đào Nha cho biết kế hoạch này sẽ cản trở hoạt động sản xuất điện trong đợt hạn hán khắc nghiệt. Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng lên tiếng phản đối. "Chúng tôi phản đối việc áp đặt các mục tiêu cắt giảm bắt buộc" - Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa cho biết vào tuần trước.

Các chuyên gia và tổ chức quốc tế - dẫn đầu bởi IMF - đã cảnh báo rằng tác động thảm khốc đối với nền kinh tế Châu Âu có thể khiến một số quốc gia rơi vào suy thoái, bắt đầu từ việc đóng cửa các nhà máy và hạn chế sưởi trong các hộ gia đình. Giá năng lượng và giá tiêu dùng cao hơn đáng kể đã là hiện thực, nhưng được dự đoán là sẽ còn tồi tệ hơn. GDP trung bình của EU có thể giảm khoảng 0,9-1,5% nếu các nước không chuẩn bị.

Đức và một số quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU) đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã công bố một loạt biện pháp khẩn cấp mới nhằm cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ của nước này. Ông Habeck cho biết không thể dựa vào nguồn cung cấp khí đốt Nga và kêu gọi mọi người cùng nhau tiết kiệm năng lượng. Hy Lạp ngày 21-7 tuyên bố sẽ tiến hành cắt điện luân phiên nếu cần thiết. Giai đoạn thứ hai và cuối cùng của kế hoạch liên quan đến việc chia khẩu phần khí đốt, buộc các nhà chức trách phải can thiệp vào thị trường nội bộ để chỉ rõ những ngành nào nhận được mức cung cấp khí đốt nào.

AN BÌNH

Tuabin cho dự án Dòng chảy phương Bắc 1 bị kẹt ở Đức

Reuters ngày 21-7 đưa tin: Tuabin của Siemens dùng trong hoạt động của đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc, đã bị kẹt trong quá trình vận chuyển ở Đức do không được cho phép từ phía Nga.

Tuabin vốn được Moscow coi là nguyên nhân dẫn đến giảm xung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc, vẫn đang ở Đức, vì Liên bang Nga được cho là chưa đưa ra phương án vận chuyển ngược lại. Được biết, tuabin này hoạt động tại trạm máy nén Portovaya của Nga, đã được bảo dưỡng ở Canada và được công ty hậu cần Challenge Group giao Cologne vào ngày 17-7. Theo các nguồn tin, hiện vẫn chưa rõ khi nào thiết bị có thể được trả lại, đồng thời cho biết thêm rằng quá trình này có thể mất vài ngày hoặc thậm chí vài tuần.

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nga-noi-lai-duong-ong-dan-khi-chau-au-van-chua-het-lo-post264228.html