Nga nói NATO đứng sau các cuộc tấn công của Ukraine vào Pskov và Tarkhankut

Các cuộc tấn công vào hậu phương của Nga được điều phối bởi các chuyên gia quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), những người được biệt phái sang Ukraine.

Trong ảnh: Quang cảnh đám cháy do cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào sân bay ở thành phố Pskov (Ảnh: twitter.com/mikailme/Global Look Press)

Trong ảnh: Quang cảnh đám cháy do cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào sân bay ở thành phố Pskov (Ảnh: twitter.com/mikailme/Global Look Press)

Sự can thiệp của Mỹ vào xung đột Nga-Ukraine

Truyền thông Ukraine đã gọi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của họ vào vùng Pskov là “lớn nhất trong lịch sử”. Kết quả là hai chiếc IL-76 của Nga bị hư hỏng. Cuộc tấn công được phối hợp nhịp nhàng: Một nhóm máy bay không người lái hoạt động theo nhiều hướng cùng một lúc để đánh lạc hướng phòng không Nga.

Ukraine ngày càng sử dụng nhiều chiến thuật như vậy để tấn công Crimea. Tên lửa bay cùng với máy bay không người lái.

Rõ ràng là, Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ không thể nghĩ ra và thực hiện các cuộc tấn công như vậy. Các cuộc tấn công vào hậu phương của Nga phải được điều phối bởi các chuyên gia quân sự NATO được biệt phái sang Ukraine.

Tờ Eurasian Times viết rằng người Mỹ đã tham gia gián tiếp vào cuộc xung đột Ukraine ít nhất kể từ năm 2014, thông qua các quốc gia NATO, bao gồm cả Anh, Đức và Pháp.

Về danh nghĩa, không có quân nhân Mỹ nào ở Ukraine. Trong khi đó, Mỹ tham gia vào mọi khía cạnh của cuộc xung đột, từ huấn luyện binh lính và sĩ quan, cung cấp vũ khí đạn dược, cho đến giám sát trên không (sử dụng E-3 AWACS), thu thập và xử lý thông tin tình báo, truyền dữ liệu trực tiếp qua các kênh phòng không.

Sự đa dạng của các hệ thống vũ khí mà Lực lượng vũ trang Ukraine nhận được trong một khoảng thời gian rất ngắn cho thấy rằng chúng được thiết lập bởi quân nhân Mỹ. Các kỹ sư quân sự Mỹ đã hỗ trợ sửa chữa vũ khí: Các nước tài trợ đồng ý sẽ cung cấp miễn phí phụ tùng thay thế cho Lực lượng vũ trang Ukraine.

Chỉ cần nhắc đến F-16 là sẽ thấy. Nó đòi hỏi phải bảo trì nhiều hơn so với máy bay chiến đấu trung bình thời Liên Xô được quân đội Ukraine sử dụng (chẳng hạn như MiG-29).

“Những chiếc F-16 cần 16 giờ bảo trì cho mỗi giờ bay. Với mức giá gần 27.000 USD, cũng rất đắt", Đại tá thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu Mark Cancian giải thích trong một cuộc phỏng vấn với CNN. "Có hàng chục nghìn bộ phận trong chiếc F-16. Vì thế, nguồn cung cấp phụ tùng cho Ukraine phải liên tục. Khi máy bay hạ cánh, phải đưa nó vào nhà chứa máy bay và khi cần sửa chữa thứ gì đó thì bộ phận đó phải luôn có sẵn”.

Chuyên gia quân sự Sakshi Tiwari cho biết trong một bài báo trên tờ Eurasian Times: “Chuyển các hệ thống vũ khí mới sang Ukraine và cung cấp phụ tùng thay thế cho nước này sẽ là một cơn ác mộng về mặt hậu cần. Ukraine sẽ cần rất nhiều kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, điều mà rất có thể nước này không có. Ngoài ra còn có vấn đề về niềm tin vào quản lý hậu cần ở phương Tây, do ở Ukraine có xu hướng tham nhũng”.

Các chuyên gia tin rằng việc đào tạo lại phi công để lái F-16 sẽ mất ít nhất sáu tháng và việc đào tạo nhân viên kỹ thuật thực tế cũng không hề đơn giản. Vì vậy, rõ ràng là về mặt kỹ thuật sẽ do Mỹ hoặc các nước khác trong NATO đảm nhận.

Máy bay và máy bay không người lái trinh sát của Mỹ giúp Ukraina tấn công Crimea?

Hàng nghìn quân nhân Hải quân Mỹ đồn trú tại Mỹ và các nước NATO khác cũng đang tích cực tham gia vào cuộc xung đột. Họ phân tích khối lượng lớn dữ liệu đến từ các máy bay không người lái (RQ-4 Global Hawk và MQ-9 Reaper) và từ không gian. Đặc biệt, các vệ tinh trinh sát của chòm sao Topaz cũng được sử dụng.

Tờ Eurasian Times cho biết Mỹ đang trực tiếp tham gia chuẩn bị các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Ấn phẩm đã trích dẫn các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình, máy bay không người lái trên biển và trên không trên cầu Crimea, kho nhiên liệu và sân bay trên bán đảo làm ví dụ.

Sakshi Tiwari cho biết: “Thông thường, trước mỗi cuộc tấn công như vậy, lực lượng tình báo Mỹ tiến hành giám sát chuyên sâu để chọn mục tiêu và xác định các hệ thống phòng không được triển khai để bảo vệ chúng”.

Sau đó, máy bay không người lái của Ukraine bay vào không phận Crimea để buộc các hệ thống phòng không của Nga phải “kích hoạt”. Trong khi đó, máy bay trinh sát Boeing RC-135 của Mỹ, máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk và MQ-9 Reaper đang tuần tra trên Biển Đen sẽ ghi lại và phân tích tín hiệu radar.

Phối hợp tấn công tên lửa với việc sử dụng máy bay không người lái

Gần đây, Ukraine đã sử dụng chiến thuật mới: Phối hợp tấn công tên lửa với việc sử dụng máy bay không người lái. Thông qua giám sát chuyên sâu, Mỹ có thể phát hiện những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Nga do trục trặc kỹ thuật hoặc tái triển khai quân đội. Ukraine sau đó cố gắng xuyên thủng những khoảng trống này bằng cách sử dụng tên lửa Storm Shadow, Scalp và Brimstone-2 do NATO cung cấp, cũng như máy bay không người lái Neptunes và Tu-141 Swift của mình.

Các máy bay không người lái cũng có khả năng thu nhận hình ảnh radar và quang học trong thời gian thực và đánh giá thiệt hại do các cuộc ném bom.

Một trong những cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái phối hợp này đã được thực hiện ở Cape Tarkhankut vào sáng ngày 23 tháng 8. Một tên lửa (có thể là Brimstone-2) được phóng từ tàu Ukraine, bắn trúng hệ thống phòng không S-300. Bản thân cuộc tấn công đã được ghi lại bởi một máy bay không người lái Tekever do Bồ Đào Nha cung cấp.

Đến thời điểm hiện tại, giới chức Mỹ và NATO chưa bình luận về các thông tin trên.

Khắc Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nga-noi-nato-dung-sau-cac-cuoc-tan-cong-cua-ukraine-vao-pskov-va-tarkhankut-post1567482.tpo